Một câu chuyện lịch sử hào hùng về đất nước Việt Nam trong thế kỷ XIX được kể chủ yếu bằng ngôn ngữ nghệ thuật cung đình và nghệ thuật truyền thống Huế để làm nổi bật các chủ đề: Công cuộc xây dựng Kinh đô, thực thi chủ quyền đất nước, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống thanh bình với những giá trị được sáng tạo nên của một đất nước văn hiến, độc lập trong diễn trình lịch sử của dân tộc.

leftcenterrightdel

Thuỷ quân Hải đội Hoàng Sa lên đường đi xác định chủ quyền biển đảo.

Văn hiến Kinh Kỳ được “kể” trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện lịch sử để làm nổi bật 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận là Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Với thời lượng 80 phút, kịch bản chương trình được cấu trúc thành 3 chương, mỗi chương có nhiều cảnh diễn, đan xen tương ứng với 12 hồi gắn với các chủ đề, nội dung cụ thể.

 Chương 1: Thống nhất giang sơn, kể về quá trình thống nhất giang sơn, mở mang bờ cõi của triều đình và nhân dân Việt Nam dưới thời các hoàng đế triều Nguyễn.

leftcenterrightdel
 Luyện tập quân sự.

Năm 1802, hoàng đế Gia Long chọn Phú Xuân định đô, hình thành nên triều đại nhà Nguyễn; năm 1804, đặt quốc hiệu đất nước là Việt Nam. Đất nước ta bắt đầu bước vào kỷ nguyên xây dựng và phát triển đất nước ở một tầm cao mới.

Cùng với chấn hưng, phát triển đất nước, công cuộc xây dựng, kiến thiết Kinh đô Phú Xuân đã được chú trọng. Nhiều công trình kiến trúc liên tục đã được xây dựng, củng cố dưới thời các triều vua Nguyễn nhằm phục vụ bộ máy hành chính của triều đình cũng như sinh hoạt của hoàng gia.

Nhiều chỉ dụ của triều đình cho thuỷ quân và Hải đội Hoàng Sa thăm dò và đo đạc đường thủy tại Hoàng Sa, xác lập chủ quyền về hải đảo. Tiếng sóng vọng từ biển đảo ngàn đời nhắc nhở bao thế hệ về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và hơn thế việc củng cố tiềm lực quân sự, công cuộc chấn hưng binh bị luôn được các triều đại chú trọng. Các lực lượng bộ binh, thủy binh, tượng binh, mã binh, hỏa pháo binh, ngự lâm quân luôn được huấn luyện, diễn tập, hoàn thiện... tạo ra sự phòng vệ, góp phần gìn giữ bảo vệ giang sơn gấm vóc...

leftcenterrightdel
 Triều Nguyễn lấy nông nghiệp làm trọng tâm để phát triển kinh tế.

Chương 2: Đất nước thái bình, kể về đất nước với sự ổn định chính trị, kinh tế, cảnh thái bình được mở ra với muôn dân trăm họ với các hồi Vận mới thái bình, Điềm lành mở lối, Mùa vụ bội thu, Xuân nghinh khánh hỷ. Giang sơn củng cố, đất nước bước vào cảnh thái bình với những vận hội mới. 

Chương 3: Ngàn năm văn hiến, sẽ kết thúc câu chuyện với các hồi: Mở mang quốc học, Bảo vật trường tồn, Linh khí hội tụ, Ngàn năm văn hiến, kể về sự mở mang nền giáo dục quốc dân, đào tạo nhân tài của triều Nguyễn. Theo đó, hằng trăm quyết sách quan trọng về chấn hưng giáo dục (thể hiện qua Châu bản) đã được thực thi. Hàng vạn tấm mộc bản được chế tác, khắc chữ nhằm in ấn, san định in ấn sách vở, phục vụ công cuộc giáo dục. Các khoa thi tiến sĩ được mở trở lại. Trong lịch sử số lượng sách vở được in ấn dưới thời Nguyễn nhiều hơn so với tất cả các thời đại trước đó cộng lại. Giang sơn thống nhất, đất nước thái bình, triều Nguyễn đã không ngừng mở mang, phát triển nền quốc học, đào tạo nhân tài. Chính điều này đã góp phần làm cho những kiến văn được lưu giữ, trao truyền một cách mạnh mẽ, tạo nên một hệ thống nhân tài để lại tiếp tục làm nên văn hiến.

leftcenterrightdel
Vũ khúc hoa đăng mừng thái bình. 

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: "Văn hiến Kinh kỳ là chương trình tôn vinh những giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc. Đó là câu chuyện hấp dẫn tái hiện niềm tự hào của một vùng đất di sản. Sau Festival Huế 2018, đây sẽ là sản phẩm dịch vụ bổ sung cho Đại Nội mở cửa đón khách về đêm".

                                                                                                     Trọng Bình