(BVPL) - Nhắc đến Lưu Quang Vũ là người ta nhắc đến một tài năng của nền văn học nghệ thuật Việt Nam, tài hoa mà bạc mệnh, giữa lúc tài năng đang vào độ chín thì ông mất đi trong một tai nạn giao thông. Tuy nhiên, với tuổi đời còn khá trẻ, 40 tuổi ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết những vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng.
 


Cùng với Biên đạo múa Tạ Vũ Thu của Nhà hát Tuồng Việt Nam, Đạo diễn - NSND Lan Hương đã thổi một luồng gió mới vào kịch nói của Lưu Quang Vũ, vốn được biết đến và nổi tiếng với những lời thoại sắc sảo, thay vào đó vở kịch lại tập trung vào ngôn ngữ cơ thể thông qua vũ đạo của nghệ thuật Múa đương đại và Tuồng cổ với những động tác mang tính ước lệ cao để lột tả những dằn vặt, giằng xé trong nội tâm giữa phần hồn và phần xác của nhân vật. Một tâm hồn cao đẹp không thể tồn tại dưới phần xác phàm phu nên cách tốt nhất là giải thoát cho nhau để giữ trọn một chữ “tình” và một chữ “nghĩa”.

Kết cấu vở kịch hình thể “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” cũng khác so với kịch nói: Không chia thành từng cảnh mà tập hợp thành ba trường đoạn chính:

Giới thiệu gia đình Trương Ba, hàng thịt, thiên đình và sự bỡ ngỡ, bối rối của ông Trương Ba trong hình hài ông hàng thịt.

Sự giằng xé, đấu tranh mãnh liệt của một con người nhưng lại trong hình hài người khác. Hai phần hồn và phần xác không đồng nhất như vậy nhất quyết không thể cùng tồn tại trong một cơ thể.

Những mâu thuẫn nội tại cần được giải quyết và ông Trương Ba chọn cái chết để giải quyết triệt để vấn đề. Trường đoạn mang tính ẩn dụ cao với thông điệp “điều gì đã sai thì không thể sửa được, càng cố sửa sẽ càng sai”.

Không những vậy, NSND Lan Hương còn tạo ra một điểm nhấn trong vở kịch khi tạo ra hai khoảng không gian riêng biệt là Thiên đình và Hạ giới trên cùng một sân khấu, với ý đồ nghệ thuật khúc triết, rõ ràng: việc xảy ra ở đâu thì nơi đó phải chịu…

Việc sử dụng kịch hình thể cho một kịch bản đã rất thành công như “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” khiến nhiều người đánh giá đạo diễn Lan Hương là “liều lĩnh”, và thực tế điều này cũng tạo ra nhiều khó khăn, vất vả cho cả đoàn từ khâu dàn dựng kịch bản, chọn diễn viên, biên đạo múa, cho tới âm thanh, ánh sáng... Bản thân Biên đạo múa Tạ Vũ Thu phải vào vai ông hàng thịt bởi vai diễn này khá khó, nhưng với tâm huyết cũng như kinh nghiệm của mình, Tạ Vũ Thu đã lột tả thành công được nội tâm nhân vật bằng những vũ đạo Tuồng cổ hòa quện với Múa đương đại điêu luyện của mình.

Biên đạo múa Tạ Vũ Thu chia sẻ sau buổi biểu diễn: “Nhắc đến vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là người ta nhắc đến NSND Trọng Khôi, ông đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật chính, do đó người nghệ sỹ vào vai chính hôm nay phải chịu áp lực rất lớn, vì vậy chúng tôi đã chọn một lối diễn khác, mới mẻ hơn mà vẫn không làm mất đi những giá trị quý báu trong kịch Lưu Quang Vũ”.

Với ngôn ngữ hình thể, NSND Lan Hương và các nghệ sỹ của Nhà hát Tuổi trẻ đã mang đến một phiên bản mới cho “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” như một lời tri ân đến cố tác giả Lưu Quang Vũ với một cuộc đời cống hiến hết mình cùng những tác phẩm ông để lại cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
 

    Cường Nghiêm