(BVPL) - Ngày 11/5/2016, tại trường ĐHKHXH&NV TPHCM đã có buổi tọa đàm khoa học về tình trạng hạn mặn bao vây Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một vấn đề xã hội nóng hiện nay.

 

Tọa đàm hạn mặn: ĐBSCL trong cảnh mất 4,7 tỉ m3 nước đẩy mặn
Tọa đàm hạn mặn: ĐBSCL trong cảnh mất 4,7 tỉ m3 nước đẩy mặn

 

Phát biểu chính tại chương trình, GS. Chung Hoàng Chương (Khoa Á Mỹ học, ĐH San Francisco – Thành viên Tổ chức sông ngòi Quốc tế & Ủy ban kết nghĩa TPHCM – San Francisco) cho rằng: “Biến đổi khí hậu (BĐKH) là có thật”.

 

Theo GS. Chương, dưới tác động của hiện tượng El Nino mạnh, hiện nay các sông ngòi tại khu vực ĐBSCL đã mất đi 4,7 tỉ m3 nước để đẩy mặn. Như vậy, con người cần phải chung tay tạo dựng hệ thống “tái thiết kế” nếu không muốn khu vực này ngày càng nhiễm mặn.

 

Giải thích cụ thể về tác động của con người và BĐKH đã dẫn đến tình trạng môi trường bị nhiễm mặn tại khu vực ĐBSCL, ông cho rằng có 2 vấn đề quan trọng là chúng ta cần có mô hình nông nghiệp khôn ngoan và hoàn thiện trong công tác quản lý nước để cân bằng được 3 yếu tố môi trường sống, lúa và nước.

 

Ông kêu gọi nên thực hiện trồng lại các cây chống nhiễm mặn như: bần, đước và cây mắm. Và để thực hiện được điều đó, chúng ta cần hợp sức lại để có một tổ chức tập hợp các chuyên gia trong và ngoài nước, thường xuyên trao đổi, đối thoại, xem xét, đánh giá những hiện trạng diễn ra và có những giải pháp phù hợp kịp thời.

 

Tọa đàm hạn mặn: ĐBSCL trong cảnh mất 4,7 tỉ m3 nước đẩy mặn
Tọa đàm hạn mặn: ĐBSCL trong cảnh mất 4,7 tỉ m3 nước đẩy mặn

 

NGND.GS.TS. Ngô Văn Lệ đánh giá cao phát biểu của GS. Chương và cũng đưa ra những nhận xét, ý kiến về tình trạng trên. Ông cho rằng không thể cùng lúc lựa chọn nhiều thứ mà chỉ chọn 1 thứ. Lựa chọn nào đó để phát triển bền vững, về mặt chính sách nhà nước là quan trọng vì mong muốn của nhà nước là mong muốn của chung.

 

Vấn đề trước nhất là cần giải quyết mâu thuẫn. Dựa vào điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu Việt Nam mà chọn những giải pháp phù hợp để tiến tới xây dựng mô hình hiệu quả.  

 

Tọa đàm khoa học kết thúc vào lúc 11 giờ cùng ngày đã gợi ra rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu, phân tích, những lựa chọn và giải pháp tối ưu cho vấn đề cân bằng môi trường sống tại khu vực ĐBSCL.

 

Thanh Vy

.