Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mới đây đã phối hợp với Thành ủy TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”. Hoạt động này nhằm đánh giá lại các di tích thờ cúng Hùng Vương, việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, để từ đó tạo sự thống nhất cộng đồng trong quá trình bảo tồn  nghi lễ thờ Quốc Tổ của người Việt.
 

Nghi lễ rước kiệu trong Lễ hội Đền Hùng- Phú Thọ. Ảnh TL.
Nghi lễ rước kiệu trong Lễ hội Đền Hùng- Phú Thọ. Ảnh TL.


Sự thống nhất trong đa dạng

Tròn 3 năm trở về trước, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thực chất, di sản này được đánh giá cao vì tính thuần Việt và bởi sự thống nhất trong đa dạng.

Theo như phân tích của các nhà nghiên cứu về văn hóa và tín ngưỡng dân gian, việc nhân dân cùng tôn vinh một vị “cha chung” bắt nguồn ngay từ đặc thù lịch sử Việt  Nam. Đó là phải thường xuyên phải chống ngoại xâm, các triều đại phong kiến luôn đề cao nhu cầu xây dựng một hệ tư tưởng – tín ngưỡng chung để làm nền móng cấu kết toàn dân tộc. Dẫu trọng tâm của bộ hồ sơ đệ trình lên UNESCO là không gian thờ Hùng Vương quanh khu vực Phong Châu (Phú Thọ).

Song khi khảo sát hàng chục di tích trong vùng, các chuyên gia Viện Văn hóa Nghệ thuật đã phát hiện ra khá nhiều hình thức thờ Hùng Vương độc đáo. Điển hình, tại nhiều cụm di tích, vua Hùng được phối thờ (thờ chung) cùng nhiều nhân vật khác như các công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa, các Hùng hầu, Hùng tướng, Tản Viên Sơn Thánh, Hai Bà Trưng...

Mở rộng hơn, hình thức phối thờ này cũng phát triển khá mạnh tại khu vực Hà Tây cũ (hơn 150 di tích), Thái Bình (gần 250 di tích), Hải Dương, Thanh Hóa... với các nhân vật  như Long Hải Đại Vương, Phù Đổng, An Tiêm, An Dương Vương, Chử Đồng Tử, Cao Sơn, các con Lạc Long Quân.

Tại hội thảo vừa rồi, nhắc lại những thế mạnh thuần Việt của di sản này, GS.TS Lê Hồng Lý - Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) một lần nữa khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không nặng về giá trị vật thể, mà chứa đựng yếu tố tâm linh nên ăn sâu bén rễ trong quần chúng.

Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, ở Việt Nam hiện có hơn 1.400 di tích thờ cúng Hùng Vương và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương. Trong đó, tại TP HCM, khảo sát bước đầu có 13 cơ sở thờ cúng các vua Hùng. Và ở trung tâm TP San Jose (bang California, Mỹ) cũng có đền Hùng rộng 450m2 để thờ các vua Hùng cũng như những nhân vật lịch sử được hóa thánh khác như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng...

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất xây dựng hệ thống tượng thờ Hùng Vương ở các địa điểm văn hóa như Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử. Cùng với đó có những ý kiến đề xuất nên đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào chương trình giáo dục ở các cấp học, các chuyên ngành phù hợp.  
    
Phát huy giá trị di sản

Như nhận xét của nhiều chuyên gia, gần như người Việt Nam lập làng tại đâu thì xây đền thờ Tổ Hùng ở đó. Và họ tiến hành việc thờ cúng hằng năm để bày tỏ tấm lòng tri ân, kính hiếu. Thậm chí, các Việt kiều sống ở nước ngoài khi có dịp cũng “thỉnh” chân hương tại đất tổ để mang về cắm trên bàn thờ của gia đình.

Lý giải việc người Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngoài nước, cùng một lòng tôn kính thờ Quốc Tổ, GS.TS Lê Hồng Lý khẳng định, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã thực sự vươn đến tất cả các nơi trên thế giới có người Việt sinh sống, như là một biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tất cả mọi người với những chính kiến khác nhau nhưng cùng nhau hướng về đất Tổ.

Còn GS.TS Trương Quốc Bình - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng cho rằng: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một đạo lý cơ bản của mỗi người và mỗi gia đình Việt. Vì thế mà cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng tự nguyện xây dựng các công trình tưởng niệm Hùng Vương nhằm đáp ứng nhu cầu hướng về nguồn cội của đồng bào ở xa Tổ quốc. Những giá trị có tính toàn cầu nổi bật của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cần tiếp tục bảo tồn và phát huy.

Nhằm kết nối và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên vùng đất Tổ- vua Hùng, hơn 4 năm qua việc gắn bảo tồn hát Xoan với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được tỉnh Phú Thọ tích cực triển khai. Bởi hát Xoan là một loại hình nghệ thuật đặc sắc được phát tích từ thời đại Hùng Vương dựng nước chỉ có ở vùng đất Tổ, (hát Xoan đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại từ năm 2011). Hiện Phú Thọ chú trọng đặc biệt việc trùng tu tôn tạo, gắn di sản văn hóa phi vật thể với di sản văn hóa vật thể tại đền thờ vua Hùng.

Theo TS Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), cho dù được thực hành thường xuyên trong cộng đồng, ở cả trong và ngoài nước nhưng có một thực tế di sản này đang phải đối mặt với những tác động trực tiếp đến sức sống của nó. Xu hướng hành chính đã làm thay đổi phần nào các nghi lễ cổ truyền đã định hình từ lâu đời, không gian linh thiêng bị suy giảm, thậm chí bị lấn át bởi các hoạt động dịch vụ, thương mại. Chính vì thế, việc bảo vệ di sản thờ cúng Hùng Vương cũng chính là bảo vệ các di tích liên quan. 

 

Theo Đại đoàn kết

.