Nhà thơ Bàng Bá Lân đã khắc họa nên bức tranh bằng thơ thật sinh động về ngày Tết cổ truyền Việt Nam:

Tết về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà
Nhớ cành đào thắm đầy hoa
Nhớ giây phút đợi giao thừa nghiêm trang.
Nhớ ngũ vị, nhớ chè lam
Nhớ cây nêu, nhớ khách vang tiếng sành
Nhớ tam cúc tẹt, nhớ mình
Nhớ cân mứt lạt, nhớ khoanh giò bì.


Thế mới thấy, cùng với bánh chưng xanh, cành đào, mứt Tết..., thứ không thể thiếu trong ngày Tết là tranh cổ truyền.

leftcenterrightdel

Trong ngày Tết Việt Nam, việc trang hoàng nhà cửa không bao giờ thiếu tranh Tết. Đó là những hoạ phẩm dân gian, không rõ ai là tác giả, in bằng tay, bản gỗ cũng khắc tay trên giấy tàu bạch (loại giấy in báo như bây giờ) và dùng phẩm ngũ sắc (xanh lục, đỏ, tím, vàng, đen).

Có hai loại tranh: một dành cho người lớn và một dành cho trẻ em.

Tranh dành cho người lớn thì có những loại vẽ hoa như mai, lan, cúc, trúc hoặc vẽ chim sẻ đậu cành trúc (trúc tước), hoặc mô phỏng lại những chuyện xưa, tích cũ như: Tam Quốc, Chinh Đông - Chinh Tây, Thạch Sanh, Quan Âm Thị Kính, hoặc tranh lịch sử như: Đinh Bộ Lĩnh, Hai Bà Trưng, Mỵ Châu - Trọng Thuỷ, Sơn Tinh - Thuỷ Tinh...

Tranh dành cho trẻ em, tuy gọi vậy nhưng cũng rất được người lớn, giới bình dân yêu thích. Phần lớn là những tranh ngụ ý lời cầu chúc tốt đẹp dành cho nhau như:

Tranh Tiến tài - Tiến lộc, vẽ hai vị thần mặc phẩm phục: một vị mang biểu Tiến tài (hiến tiền bạc) và một vị mang biểu Tiến lộc (hiến phước lộc), nói chung là mang sự thịnh vượng vào nhà.

Tranh Đàn gà tượng trưng cho sự phúc đức, đông con cái.

Tranh Con gà trống, biểu tượng cho sự bất khuất, trung tín, giữ đúng giờ giấc (vì gà gáy ít có bao giờ sai).

Tranh Lý ngư vọng nguyệt, nhắc nhở con cái chăm chỉ học hành.

Tranh Heo mẹ và đàn heo con, tượng trưng cho sự sung túc và đoàn tụ.

Tranh Hứng dừa, nói lên vẻ đẹp hồn nhiên của người thôn nữ, với lời ghi chú trong như ngọc, trắng như ngà, vừa cho trái dừa, vừa cho thôn nữ.

Tranh Chuột vinh quy, chỉ sự thành đạt.

Tranh Thầy đồ cóc dạy học, vẽ cảnh trường học ngày xưa (những nhân vật ở đây toàn là cóc: cóc viết bài, cóc quạt siêu nước, cóc bưng nghiên mực, cóc không thuộc bài nên bị đòn...) nhắc nhở con cái về sự học.

Những tranh này được bày bán nhiều ở ngoài chợ, quầy văn hoá phẩm, hiệu sách, giá lại khá bình dân, ai cũng có thể mua về dán trong nhà, cho bầu không khí thêm vui vẻ, rộn ràng.

leftcenterrightdel

Kết thúc, xin mượn lời thơ của nhà thơ Trần Tế Xương nói về tranh Tết:

... Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách bức tranh gà
Chi cha chi chát khua giày dép
Đen thủi đen thui cũng lượt là.

Nguyễn Văn Long