Bình Thuận
Tháp nước Phan Thiết được công nhận là di tích lịch sử văn hóa
Cập nhật lúc 22:39, Thứ tư, 24/10/2018 (GMT+7)
Tháp nước cổ kính 84 năm tuổi bên bờ sông Cà Ty, Phan Thiết thơ mộng vừa được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Ngày 19/10, đúng dịp kỷ niệm 120 năm Phan Thiết được Nhà Nguyễn công nhận là thị xã, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định, xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử - văn hóa Tháp nước Phan Thiết.
Ngoài vẻ đẹp cổ kính, mang phong cách kiến trúc Á Đông, nằm bên bờ sông Cà Ty thơ mộng, Tháp nước Phan Thiết còn đặc biệt bởi gắn với nhân vật lịch sử.
Tháp do Hoàng thân, kiến trúc sư Souphanouvong (1909-1995), nguyên Chủ tịch nước CHDCND Lào thiết kế khi ở cương vị Kiến trúc sư trưởng Khu Công chánh Nha Trang.
Hoàng thân Souphanouvong tốt nghiệp đại học quốc gia cầu đường Paris, là kỹ sư cầu đường đầu tiên ở Đông Dương.
Thời gian đảm đương chức vụ Kiến trúc sư trưởng khu Công chánh Nha Trang, ông đã tham gia thiết kế, chỉ huy nhiều công trình thủy lợi tại Việt Nam, trong đó có 7 công trình cho đến nay vẫn đang còn hiện diện, tiêu biểu là Tháp nước Phan Thiết.
|
|
Tháp nước Phan Thiết nằm trên bờ sông Cà ty thơ mộng. Ảnh: BT. |
Tháp có chiều cao từ nền lên đỉnh là 32 m, chia thành 2 phần. Phần lầu đài (bồn nước) hình bát giác, cao 5 m, đường kính 9 m. Phần dưới của tháp là kiến trúc hình trụ bát giác dưới to, trên nhỏ cao 22 m, có đường kính chân tháp là 10 m. Nóc của lầu đài có 3 tầng mái che hình bát giác lợp bằng ngói móc. Tháp do nhà thầu Ưng Du thi công từ năm 1928 đến 1934 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp nước cho đô thị Phan Thiết.
Trên thân tháp có khắc dòng chữ “U.E.PT” (viết tắt của cụm từ “Unise Des Eaux de Phan Thiet” - Nhà máy nước Phan Thiết), được ghép bằng những mảnh gốm sứ kiểu theo lối viết chữ hình tròn.
|
|
Là công trình độc đáo. Ảnh: Chí Bình. |
|
|
Trở thành biểu tượng của tỉnh Bình Thuận. |
Tháp nước Phan Thiết ngày nay đã không còn phục vụ việc cấp nước nữa, trở thành một điểm tham quan du lịch của Phan Thiết, cũng là biểu tưởng của tỉnh Bình Thuận.
Nguyễn Huân