Chiều ngày 27/6, tại Paris (Pháp), trong kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã công nhận Thành nhà Hồ của nước ta là Di sản văn hóa thế giới. Cung với 6 di sản văn hóa trước đó, đây là di sản văn hóa thứ 7 của Việt Nam đã được UNESCO công nhận.

 

Những bí ẩn của tòa thành

Nằm trên địa bàn hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long của huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Thành nhà Hồ từng là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của nước Đại Việt vào đầu thế kỷ XV (1400 - 1407). Có lẽ Thành nhà Hồ là một kinh đô phong kiến cuối Trần đầu Hồ, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng đã mang trong mình những bí ẩn về một công trình kiến trúc độc đáo, như một biểu tượng kiệt xuất của những công trình thành cổ Việt Nam cách đây hơn 600 năm.

Một chuyên gia nghiên cứu về Đông Dương người Pháp L.Bezacier, khi đến Thành nhà Hồ vào đầu thế kỷ XX, đã phải thừa nhận rằng: “Chúng tôi phải nói rõ ngôi thành này là một mẫu mực độc nhất về việc sử dụng những khối đá vôi to lớn, được đẽo gọt và ghép một cách rất tài tình...”.

 

Thành nhà Hồ.

Thành nhà Hồ là một công trình có giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là pháo đài quân sự, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên.

Thành tọa lạc trên một khu đất có vùng lõi và vùng đệm rộng 5.234ha bao gồm toàn bộ tòa Thành đá, La Thành, Hào Thành, các di tích khảo cổ dưới lòng đất, các làng cổ, các di tích chùa - đền, hang động liên quan đến Thành nhà Hồ, toàn bộ cảnh quan núi non, sông nước liên quan đến địa hình phong thủy thể hiện sự giao lưu văn hóa về nét đặc sắc của tòa thành hiện vẫn còn được bảo tồn toàn vẹn một cách tốt nhất.

Theo sử sách và người dân địa phương truyền tụng lại, Thành nhà Hồ được cha con Hồ Quý Ly và các tướng lĩnh quân sự lúc bấy giờ xây dựng khi ông giữ chức Tể tướng của nhà Trần. Thành có bình đồ kiến trúc tương đối vuông với hai mặt Nam - Bắc dài hơn 900m, hai mặt Đông - Tây dài hơn 700m, độ cao trung bình 7 - 8m, có nơi như ở cửa Nam cao tới 10m. Điều đặc biệt thú vị là toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau với tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 1/1397 đến tháng 3/1397).

 

Đây có thể được coi là một kỷ lục về xây dựng một công trình đồ sộ đến như thế mà chỉ tiến hành trong một thời gian rất ngắn, khi chưa có sự trợ giúp của công nghệ hiện đại với Hoàng Thành bằng đá bên trong và La Thành bằng đất bao bên ngoài. Các phiến đá được xếp đan xen theo hình múi cam để tránh động đất. Khu vực này gồm 4 cổng thành được làm bằng đá theo phương thức: tiền, hậu, tả, hữu. Các bức tường thành được ghép từ những khối đá lớn có kích thước trung bình 2,2mx1,2mx1,5m, có phiến đá nặng đến 20 tấn. Thời ấy chưa có công nghệ ghép đá gắn xi măng nhưng làm sao để có thể nâng được những phiến đá nặng nhường kia lên độ cao 10m, xếp vuông vắn, theo phương thẳng đứng và tồn tại đến ngày nay vẫn là một câu hỏi lớn đối với các nhà nghiên cứu thành cổ.

Trách nhiệm nặng nề

Bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho biết: “Tôi cho rằng việc đề cử để công nhận một di sản cấp quốc gia trở thành Di sản văn hóa thế giới đã khó, nhưng giữ gìn, phát huy giá trị di sản đó sau khi được công nhận còn khó hơn nhiều. Vì Ủy ban Di sản thế giới gồm 21 quốc gia thành viên luôn giám sát chặt chẽ, nếu các di sản không được bảo tồn tốt thì rất có thể sẽ bị loại bỏ. Bà rất có ấn tượng về Thành nhà Hồ, nhất là đàn tế Nam Giao, giếng vua ở quần thể di tích này”.

Ông Vương Văn Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ di sản Thành nhà Hồ khẳng định: “Từ khi Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia sớm nhất vào năm 1962, tỉnh Thanh Hóa cam kết bảo tồn nghiêm ngặt, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Thành nhà Hồ; từng bước đầu tư để công trình kiến trúc độc đáo này phát huy hiệu quả về mọi mặt, xứng đáng là di sản văn hóa quốc gia và quốc tế”.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý di tích Thành nhà Hồ có trách nhiệm thực hiện 6 chức năng chủ yếu: Quản lý và phát huy giá trị khu di tích Thành nhà Hồ; bảo tồn, thực hiện việc trùng tu, tôn tạo khu di tích khi được cấp có thẩm quyền giao; quản lý, bảo vệ, giữ gìn di sản văn hoá di tích Thành nhà Hồ và các di tích phụ cận; tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động lễ hội và tham quan du lịch khu di tích; nghiên cứu, khai thác và phát huy các giá trị văn hoá của di tích như đã cam kết với UNESCO.

Có ý kiến cho rằng Thành nhà Hồ đã tồn tại như thế nào trong lịch sử thì cứ giữ nguyên như thế, không nên chặt bỏ những cây cối đã mọc trong kẽ đá, cũng như đừng nghĩ đến chuyện phục dựng tường thành, lầu gác... Nhưng ngày xưa, xung quanh thành có hào nước thì thời gian tới cũng nên nghĩ đến chuyện đào lại hào nước này, càng tôn thêm vẻ đẹp của thành. Có chăng cần giải toả ở khu vực xung quanh thành để có một khoảng không gian tương xứng nhằm tôn vinh di sản. Ngoài toà thành hiện nay, ở khu vực này còn có những ngôi nhà cổ quý giá, trong đó có nhà 9 gian ở cửa Tây, dấu tích đạo tụ tiên ở phía Nam thành… Cả khu vực không chỉ có công trình Thành nhà Hồ mà còn có những Di sản văn hoá liên quan, cần bảo tồn, phục dựng một cách phù hợp làm sống lại một không gian văn hoá Việt cổ để du khách trong nước và quốc tế có thể đến tham quan, chiêm ngưỡng di sản có một không hai này trên thế giới.

 

 

Theo SK&ĐS