(BVPL) - Cứ mỗi dịp 3/3 âm lịch hằng năm gian bếp của  mỗi người Việt lại thoảng lên mùi hương của bột nếp, hương thơm của món bánh trôi, bánh chay,… hòa v ới vị ngọt ngào ấm cúng bên gia đình người thân chào đón Tết Hàn Thực .
 
Tết Hàn thực không còn xa lạ gì với mỗi người dân Việt, họ chào đón ngày tết này với niềm vui hạnh phúc cùng nhau quay quần  cùng nhau làm món bánh trôi bánh chay với hương thơm của đỗ xanh hòa với vị ngọt dịu của đường đỏ lẫn vào vị thanh của bột nếp tạo nên không gian ấm cúng từ mỗi gian bếp, được cùng nhau đón Tết Hàn Thực nhưng ít ai biết đến cội nguồn của Tết Hàn Thực.

 

 

Nguồn gốc của Tết Hàn Thực 
 
Theo nghĩa chữ Hán "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này gắn với một điển tích ở Trung Quốc, được biết tới nhiều qua tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc.
 
Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm).

 

 
Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du cũng có nhắc đến, đoạn diễn tả mụ Tú Bà khấn vái thần "Mày trắng" (Bạch Mi) phò hộ làm ăn khá, có câu: 
 
“ Cửa hàng buôn bán cho may, 
Đêm đêm Hàn thực ngày ngày Nguyên tiêu”.
 
"Nguyên tiêu" là tết rằm tháng giêng. "Hàn thực" là do điển tích trên. Ở đây có ý ngày đêm lúc nào cũng được như ngày hội, ngày tết.
 
 
Ý nghĩa của bánh trôi, bánh chay trong tết Hàn thực của người Việt
 
Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt. Vào ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm, người dân đều ăn đồ nấu chín để nguội với tấm lòng thành kính nhất nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất. 
 
Nên Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc, vào ngày này người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường. Điều đặc biệt, người Việt còn sáng tạo nên bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội - hàn thực.
 
 
  Minh Thuận
.