Đối với những lễ hội có hoạt động tranh, cướp lễ, Thanh tra Bộ Văn hóa cho rằng cần tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho người dân và du khách, hoặc xem xét thay đổi kịch bản…

 


Tuy nhiên, theo đánh giá của Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL Vũ Xuân Thành thì công tác lễ hội vẫn còn một số tồn tại.

Cụ thể tại một số di tích như Chùa Hương, Phủ Tây Hồ (Hà Nội); đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); đền Mẫu Ỷ Lan, Đền Cảnh Xanh, Đền Thượng (Tuyên Quang); đền Bảo Hà (Lào Cai); di tích Phù Dày (Nam Định) vẫn diễn ra hiện tượng các hàng quán chèo kéo khách, lén lút đổi tiền lẻ, đốt nhiều đồ mã, còn nhiều người ăn xin, khấn thuê; hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích; không niêm yết, nâng giá hàng hóa, dịch vụ và trông giữ phương tiện; sử dụng loa phóng thanh gây ồn; chưa xây dựng đượng công trình vệ sinh công cộng hợp chuẩn; chưa kịp thời thu gom, xử lý rác thải.

“Một số di tích, Ban quản lý, thủ nhang, thủ đề đã tự ý làm thêm mAi vảy, khung thép, lợp mái tôn hoặc tiếp nhận công đức bằng hiện vật đưa vào trong di tích làm ảnh hưởng không gian di tích vi phạm quy định của Luật Di sản Văn hóa. Trong khi đó, công tác phối hợp của các Sở, ban, ngành địa phương chưa kịp thời, các đơn vị tổ chức, các tiểu ban chưa làm hết trách nhiệm, buông lỏng, không giải quyết chấn chỉnh kịp thời” - Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết thêm.

Về phương hướng nhiệm vụ, giải pháp, trong năm 2016 về lĩnh vực văn hóa, Thanh tra Bộ VHTT&DL sẽ tập trung vào việc kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức lễ hội, kiên quyết xử lý đối với những lễ hội có vi phạm, để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, môi trường.

Trong đó, đối với những lễ hội có hoạt động tranh, cướp lễ cần yêu cầu BTC tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho người dân và du khách, hoặc xem xét thay đổi kịch bản tổ chức tranh nguy cơ xảy ra xô xát hoặc lợi dụng lễ hội để gây rối.

 

Theo Đại đoàn kết

.