Bộ GD-ĐT đang soạn thảo thông tư ban hành Quy định về học phí chất lượng giáo dục cao trong các trường mầm non, phổ thông công lập. Theo đó, mức thu đủ bù đắp chi phí đào tạo, không vì mục đích lợi nhuận, phù hợp với khả năng đóng góp của người học.

 
Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT đang được đăng tải xin ý kiến thì học phí chất lượng giáo dục cao được tính riêng cho từng hoạt động dạy học - giáo dục chất lượng cao và dịch vụ chất lượng giáo dục cao. Người học tham gia hoạt động chất lượng giáo dục cao nào, hưởng dịch vụ giáo dục cao nào thì đóng góp theo mức thu áp dụng cho chất lượng, dịch vụ đó. Việc thực hiện điều chỉnh mức thu (nếu có) phải dựa trên kết quả đánh giá chất lượng giáo dục và trách nhiệm thực hiện cam kết của nhà trường, của học sinh và cha mẹ học sinh.
 
Mức thu được xây dựng trên cơ sở các khoản chi thực tế cho các hoạt động dạy học - giáo dục của giáo viên, đầu tư trang thiết bị, tài liệu dạy học, công tác quản lý và các dịch vụ đi kèm để thực hiện chất lượng giáo dục cao trừ đi kinh phí được phép chi theo qui định bao gồm ngân sách nhà nước và học phí do Hôi đồng nhân dân cấp tỉnh qui định đối với học phí đại trà. Tùy theo điều kiện thực tế, người học có thể nộp học phí theo từng giai đoạn của quá trình giáo dục. Việc thu học phí thực hiện theo đúng quy định về quản lý tài chính hiện hành.
 
Trong dự thảo này, Bộ GD-ĐT cũng quy định rõ ràng về điều kiện thực hiện chất lượng giáo dục cao. Theo đó, trường mầm non, phổ thông công lập được phép thực hiện chất lượng giáo dục cao khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, công nhận đã đạt yêu cầu theo quy định về Tiêu chuẩn đánh giá nhà trường của Bộ GD-ĐT; đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ phổ cập giáo dục của địa phương;
 
Ngoài ra, giáo viên, kể cả giáo viên thỉnh giảng, tham gia các nội dung thuộc hoạt động dạy học chất lượng giáo dục cao, ngoài việc đạt các tiêu chuẩn, chức danh theo quy định của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ còn cần có các điều kiện như: Đạt chuẩn hoặc trên chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định; đạt xếp loại cao theo quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên do Bộ GD-ĐT ban hành; Có kiến thức, hiểu biết sâu về nội dung dạy học - giáo dục; Có hiểu biết và năng lực vận dụng các phương pháp giảng dạy, giáo dục phù hợp đối tượng, sáng tạo, hiệu quả, tiên tiến; đặc biệt là các hoạt động giáo dục đạo đức, dạy học phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo của học sinh.
 
Chương trình giáo dục, nội dung dạy học và các hoạt động giáo dục, kế hoạch hoạt động của nhà trường được phát triển hơn và phù hợp với chương trình giáo dục theo quy định đối với từng độ tuổi của trẻ trong giáo dục mầm non và học sinh từng cấp học, lớp học trong giáo dục phổ thông.
 
Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học - giáo dục, sĩ số học sinh/lớp đạt theo Tiêu chuẩn đánh giá nhà trường đồng thời cần có thêm các điều kiện: Có đủ hệ thống thiết bị đáp ứng yêu cầu hỗ trợ giáo viên, học sinh đổi mới phương pháp dạy học nâng cao hiệu quả giáo dục; Có đủ đồ dùng dạy học, đồ chơi đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động dạy học, thực hiện chất lượng giáo dục toàn diện; Sách, tài liệu tham khảo phong phú cho giáo viên và học sinh.
 
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, quy định về học phí chất lượng giáo dục cao là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát việc xác định mức học phí người học phải chi trả, việc thanh tra thực hiện theo cam kết chất lượng giáo dục cao của nhà trường đối với người học và trách nhiệm thu, sử dụng học phí đúng quy định.
 
Theo Dân trí