(BVPL) - Bốn mươi lăm năm đã trôi qua, đó là vào đầu năm 1965, vì cảm thấy “sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây”, Bác Hồ đã chủ động viết di chúc để lại vô vàn tình thương yêu cùng những lời căn dặn tâm huyết cho nhân dân, cho Đảng và bạn bè gần xa. Bản di chúc thể hiện tình yêu lớn, tinh thần trách nhiệm cao với đồng chí, đồng bào, toàn dân tộc, với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Trong Di chúc, Bác viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, Toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và Giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
|
Qua bốn mươi lăm năm học tập và làm theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2014), mỗi chúng ta đều thấm nhuần tư tưởng cao cả của Người. Trong bản di chúc, đối tượng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến đầu tiên chính là con người, là mọi tầng lớp nhân dân và cả loài người. Người khẳng định: “Đầu tiên là công việc đối với con người” và “Dễ ngàn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, Bác tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân. Theo Người, nhân dân chính là động lực của cách mạng, là mục tiêu, là đối tượng phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, bởi thế phải luôn chăm lo đến lợi ích của con người và “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Đối với nhân dân lao động, Bác viết: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.
Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân ta đã đổ bao nhiêu xương máu để giành độc lập tự do. Đây cũng là lý do mà trong di chúc, Bác đã ân cần căn dặn những việc mà Đảng và Nhà nước cần phải làm đối với thương binh, liệt sỹ và cha mẹ, vợ con của họ, đối với những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong, đối với nông dân, phụ nữ… nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho họ. Người viết: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm thích đáng, quyết không để họ đói rét”. Sự quan tâm của Người thể hiện rõ tình thương yêu bao la đối với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn Đảng ta phải tiếp tục thực hiện sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người đánh giá cao công lao của phụ nữ trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và căn dặn Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo.
Đối với nông dân là những người đã góp sức người, sức của cho công cuộc chống Mỹ cứu nước, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, Người đề nghị Chính phủ “miễn thuế nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”…
Cùng với tư tưởng cao cả hướng đến con người, các tầng lớp nhân dân thì khi nói nói về Đảng, lời dặn đầu tiên của Người là: Vấn đề đoàn kết có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng. Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ” mà “Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Đoàn kết là một nội dung tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người khẳng định, Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta và của dân tộc ta. Người tâm huyết dặn dò: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
“Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình”. Theo Người, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dặn: “Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ thanh niên, lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng. Người viết: Những người trẻ tuổi tham gia bộ đội, thanh niên xung phong là những người đã được rèn luyện trong chiến đấu, có lòng dũng cảm và tương lai của họ còn dài. Người căn dặn Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cử họ đi học thêm các ngành, các nghề, đào tạo họ thành những người có chuyên môn giỏi, có tư tưởng tốt và lập trường vững chắc. Người cho rằng, họ sẽ là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Người còn nhấn mạnh: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Và trong di chúc, khi biết trước là không còn lâu nữa mình sẽ đi về với “thế giới người hiền”, Người dặn dò: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ tiền bạc của nhân dân”.
Cuối cùng Người viết: “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.
Và cũng đã 45 năm Bác đã đi xa, nhưng những tư tưởng lớn, những phẩm chất đạo đức trong sáng tuyệt vời và chủ nghĩa nhân văn cộng sản toả sáng của Người mãi mãi là nguồn sức mạnh tinh thần dẫn dắt toàn Đảng, toàn Quân, toàn dân ta trên con đường xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng vững mạnh, giàu đẹp, dân chủ, văn minh.
Hồ Văn Trinh