(BVPL) - Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho biết, mặc dù hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm và các biện pháp can thiệp mà Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện thông qua Chương trình được đánh giá là tiến bộ, song quá trình thực thi cho thấy tính hiệu quả chưa cao, vẫn còn những khoảng trống trong chính sách và các chương trình can thiệp.

 


Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn như: Hiệu quả phòng ngừa mại dâm chưa đáp ứng được yêu cầu; các biện pháp, giải pháp mới chỉ mang tính giải quyết vấn đề phát sinh, chưa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa xã hội; Một số địa phương, chính quyền chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, liên tục đối với công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm; triển khai chưa đồng bộ;…

Từ thực trạng trên, các chuyên gia và đại biểu đều cho rằng, việc xây dựng Chương trình hành động phòng, chống mại mại giai đoạn 2016-2020 là rất cần thiết. Do đó, Chương trình hành động phòng, chống mại mại giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ chính: Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội tại cơ sở; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm; Xây dựng, thử nghiệm, chuẩn hoá các dịch vụ hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực trong phòng, chống mại dâm; Xây dựng thử nghiệm 03 loại mô hình: Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại 10 Trung tâm công tác xã hội - Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm - Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới; Tăng cường các hoạt động phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm; Truy tố và xét xử tội phạm liên quan đến mại dâm;  Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm, trong đó nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Phòng, chống mại dâm..

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, để lấp đầy những khoảng trống trong chính sách còn tồn tại và để thực hiện hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tới, chúng ta cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đồng thời, cần phân công rõ chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền các cấp.
 

Mai Hòa

.