Tối 14/12, Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39 (LHTHTQ 39) đã bế mạc, trao giải.

Ban tổ chức đã trao giải cho 85 tác phẩm (1 đặc biệt, 30 vàng, 54 bạc).

Giải Đặc biệt thuộc về tác phẩm "Về nhà đi con" (thể loại Phim truyện truyền hình) do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài THVN sản xuất. 

Ngoài ra Ban tổ chức cũng trao 4 giải cá nhân dành cho kịch bản xuất sắc, diễn viên xuất sắc thể hai thể loại phim truyện truyền hình và sân khấu.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39 Trần Bình Minh trao giải Đặc biệt và 4 giải cá nhân. Ảnh: BTC, 

Phim "Về nhà đi con" giành 2 giải cá nhân: Kịch bản xuất sắc: Nhóm Biên kịch phim Nguyễn Thị Thu Thủy, Trịnh Khánh Hà, Đỗ Thủy Tiên, Nguyễn Thị Thu Trang;  Nữ diễn viên xuất sắc Diễn viên Thu Quỳnh (vai Huệ) trong phim "Về nhà đi con";

Nam diễn viên xuất sắc thuộc về diễn viên Cao Minh Đạt (vai cậu Ba) trong phim "Tiếng sét trong mưa"; Diễn viên xuất sắc thể loại Sân khấu: Diễn viên Lê Hoàng Long (vai Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc) trong tác phẩm "Tổ quốc nơi cuối con đường" do Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất.

leftcenterrightdel
Trao giải Vàng cho các tác phẩm. Ảnh: BTC. 

Liên hoan năm nay có 464 tác phẩm tham gia dự thi ở 9 thể loại: Chương trình dành cho thiếu nhi, Phim tài liệu, Phóng sự, Chương trình Chuyên đề - Khoa giáo, Chương trình Đối thoại - Tọa đàm, Chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, Chương trình Ca múa nhạc, Chương trình Sân khấu và Phim truyện truyền hình. Trong đó, có 30 tác phẩm xuất sắc nhất được tôn vinh giải Vàng.

Ông Trần Bình Minh - Tổng Giám đốc Đài THVN,  Chủ tịch LHTHTQ 39, đánh giá, năm nay, số lượng tác phẩm dự thi ít hơn so với năm trước nhưng chất lượng tăng lên rõ rệt ở nhiều thể loại.

Phóng sự ghi nhận nhiều tác phẩm điều tra xuất sắc, thể hiện nghiệp vụ báo chí sắc sảo, nỗ lực dấn thân; Đối thoại - Tọa đàm xuất hiện nhiều tìm tòi mới lạ, vượt ra khỏi không gian trường quay truyền thống;

Phim truyền hình tạo dấu ấn rõ nét với những bộ phim giàu cảm xúc, có sức lan tỏa tích cực đến xã hội; Thể loại phim tài liệu, truyền hình tiếng dân tộc cho thấy sự trưởng thành của nhiều ê kíp tác giả từ các đài địa phương dù mức độ đầu tư còn hạn chế;

Một số chương trình Sân khấu, Ca - Múa - Nhạc gây bất ngờ không chỉ ở cách dàn dựng mà còn bởi sức lay động từ hình tượng nhân vật và câu chuyện nhân văn.

Điểm chung của các tác phẩm đạt giải cao của các đơn vị là sự sáng tạo nghiêm túc, bài bản, kĩ càng không chỉ về chủ đề nội dung mà còn trau chuốt từng chi tiết.

Tuy nhiên, theo ông Trần Bình Minh, độ chênh giữa các tác phẩm dự thi cũng để lại nhiều băn khoăn, trăn trở. Điển hình như chương trình dành cho thiếu nhi hay Chuyên đề - Khoa giáo. Trong khi có những chương trình truyền cảm hứng tích cực, nội dung thuyết phục dù qui mô sản xuất ít tốn kém thì ngược lại, có chương trình đầu tư lớn nhưng nội dung, thông điệp và cảm xúc mờ nhạt. Thậm chí, có những tác phẩm lối mòn, cũ kĩ, chưa đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền và sứ mệnh phục vụ công chúng; vấn đề sử dụng nhạc không phù hợp vẫn còn phổ biến.

Nguyễn Huân