(BVPL) - Nằm tại khu vực ranh giới địa phận hành chính giữa Hà Nội và Hà Nam, đền Đức Thánh Cả thu hút rất nhiều du khách thập phương đến dâng hương, thưởng ngoạn. Tuy nhiên, trái với hình ảnh linh thiêng, đẹp đẽ của ngôi đền lại là các dịch vụ “chặt chém”, “thương mại hóa” đình chùa khiến du khách hành hương không khỏi phiền lòng.
 


Tuy nhiên, Đền Đức Thánh Cả nằm ở địa phận được cho là giao thoa địa giới giữa Hà Nội và Hà Nam. Toàn bộ khu vực 1 của đền có diện tích 20.870m2 thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nhưng khu vực 2 và 3 của di tích (vành đai bảo vệ di tích) lại thuộc thôn Vĩnh Sơn, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Bởi vậy, du khách muốn vào di tích đền Đức Thánh Cả phải đi qua địa phận huyện Kim Bảng (Hà Nam). Nhưng điều đáng buồn là con đường bộ duy nhất dẫn vào đền nằm trên địa phận tỉnh Hà Nam lại chính là đường đi vào khu khai thác đá của huyện Kim Bảng. Đoạn đường này lâu nay không được tu sửa chỉnh trang, bởi nếu có tu sửa cũng sẽ bị quần nát bởi việc các xe tải thường xuyên đi lại vào khu khai thác đá. Do đó mà du khách hành hương đi lễ thường xuyên phải đối mặt với cảnh tượng bụi bay mù mịt trắng xóa và rất nguy hiểm trên cung đường dẫn vào đền.

Hóa vàng cũng... mất tiền

Vừa bước chân vào khu vực đền du khách đã bị lôi kéo vào viết sớ với giá 10.000 đồng, cung cấp mâm lễ với đủ đồ lễ vật, cúng thuê, đổi tiền lẻ... Vất vả lắm du khách mới có thể thoát khỏi vòng vây chăm sóc của các dịch vụ “chăn dắt”... Tiếng loa phát thanh của Ban Quản lý di tích thông tin át tiếng nhạc thiền: “Nhà đền cung cấp dịch vụ viết sớ với giá chỉ 6.000 đồng/sớ. Đề nghị bà con vào viết sớ tại nhà đền. Nhà đền cung cấp mọi dịch vụ đồ lễ, đáp ứng đủ nhu cầu bà con”... Quả thật nhìn qua đã thấy hàng dãy, hàng dãy “ông đồ” quần the khăn xếp, mũ mão nghiêm chỉnh, râu dài tóc bạc ngồi từng bàn nhỏ viết sớ... còn khu vực dành cho người nhà đền viết sớ được quy hoạch riêng.

Đi vào bên trong Đền, lạc lối, không rõ đâu là đền Vĩnh Sơn (đền Trình Đức Thánh Cả) thuộc địa phận Hà Nam, đâu là đền Đức Thánh Cả thuộc địa phận Hà Nội. Mạnh ai nấy khấn, mạnh ai nấy vái. Tiếng loa phóng thanh ồn ào, đường đi trong khu khuôn viên hàng quán đan xen, nhếch nhác, khu bán ngô rang, chỗ bán rau quả, đặc biệt là cua, ốc, ếch, lươn... đủ loại mùi tanh nồng.

Đi vào sâu phía sau khu di tích, qua khu vực của đền Vĩnh Sơn, chúng tôi đi vào khu vực dành cho người hóa  vàng, ngạc nhiên khi thấy đoạn đường ngắn, chật chội nhưng có khoảng gần chục các cụ bà ăn mặc chỉnh tề, nghiêm túc đứng thành hai hàng dẫn ra khu vực đốt vàng mã. Tự nhiên, nghe trong nhóm các cụ có tiếng than phiền “Già đọc kinh cầu phúc đức, hóa vàng cho Thánh suốt từ nãy mà không biếu già được đồng nào”. Vị khách ngạc nhiên, ngơ ngác không hiểu gì, vì chỉ nghĩ đơn thuần mình ra khu vực hóa vàng để hóa, nghe các cụ đọc mấy lời chúc, cuối cùng mới vỡ lẽ ra là phải... mất phí. Tò mò tôi đi xem thêm mấy khu vực dành cho hóa vàng, thì thấy, mỗi khi có khách bê mâm lễ đã cúng ra để hóa tiền vàng, những bà cụ sẽ đọc mấy câu cầu chúc điều may mắn cho khách, vừa đủ thời gian vàng mã được hóa xong. Khách quay ra cảm ơn, không quên đưa vào tay mỗi cụ mấy nghìn hậu tạ.

Đặc biệt, tình trạng chặt chém hàng, hét giá theo ý người bán diễn ra khá phổ biến. Ra ngoài bãi đỗ xe, mỗi chiếc xe máy được “hét giá” 20.000 đồng/ lượt. Do không còn lựa chọn nào khác, khách đành bấm bụng trả tiền. Một hàng khách bực bội quát: “Sao giá gửi xe lại đắt như vậy?”. Một nhân viên thu giữ nhăn nhó cho biết: “Anh thông cảm, giá thầu bãi xe này đắt lắm nên chúng em phải thu phí cao, giá thầu 1,5 tỷ đồng trong mùa lễ hội anh, chị à…”. Hành trình chiêm bái đến đền Đức Thánh Cả thật lắm gian nan.
 

Hà Nhân

.