Đang làm việc thì nhận được cuộc điện thoại từ Kiên. “Đi Yên Bái đi, bọn em đang ở Mường Chiến, sẽ về Tú Lệ tối nay. Có hai xe đi độc hành. Bắt xe khách lên đây”. Dập máy, tôi bần thần hỏi cô bạn cùng phòng: “Đi không?”...
|
Trên cánh đồng Tú Lệ - Ảnh: Đức Hùng |
Tiếng vọng từ đại ngàn quả có sức hấp dẫn mãnh liệt. Chúng tôi quyết định về nhà soạn balô và hẹn nhau 13g tại bến xe Mỹ Đình.
1. Định bắt xe đi Nghĩa Lộ (một thị xã nằm ở đường biên giới phía tây Yên Bái) theo đường 32C nhưng chỉ có xe đi Yên Bái. 16g tới bến xe thị xã Yên Bái, hỏi xe đi Tú Lệ nhưng không có, chỉ còn một chuyến cuối cùng đi Nghĩa Lộ. Lơ xe hứa sẽ đưa tới Tú Lệ (cách Nghĩa Lộ chừng 40km) nên chúng tôi vui vẻ lên xe. Xe 50 chỗ mà chỉ có vài người nên nhập nhoạng tối chiếc xe cũ kỹ chở toàn hàng mới tới bến xe Nghĩa Lộ ướt át sau cơn mưa và bỏ rơi chúng tôi ở đó.
Đã hẹn với Kiên nên cả hai quyết định bắt xe ôm lên Tú Lệ dù biết đường núi mưa trơn, đêm tối nhiều nguy hiểm rình rập. Chặng đường bắt đầu trong âu lo dần được gỡ bỏ bởi câu chuyện vui vẻ của lái xe. Mưa nhẹ dần nhưng mặt đường vẫn loang loáng nước. Những cánh đồng sũng nước, những mái nhà ẩm ướt, khói chiều lởn vởn loang trong không gian xầm xì, mùi gỗ pơ mu đốt bếp xộc lên bay thẳng vào mũi, sau cơn mưa càng trở nên thơm ngào ngạt. Phía tây Yên Bái là vựa pơ mu với nhiều câu chuyện kỳ bí mà dân “phượt” vẫn truyền tai nhau...
Chiếc xe chậm chạp bỏ lại Nghĩa Lộ phía sau lưng, qua Nậm Búng, Gia Hội rồi dốc Ba Tầng, dốc Hai Bà Cháu. Những dãy núi lầm lì chìm trong nền trời đen đặc. Chỉ có câu chuyện về vẻ đẹp của con gái Tú Lệ, về tục bắt vợ của người Mông ở Tú Lệ khiến chúng tôi quên đi chặng đường vắng lặng và mỏi mệt. Dừng xe trước một quán ăn khi mưa bắt đầu nặng hạt, may mắn còn một chút xôi nếp và thịt nướng, đủ để hai đứa ấm bụng. Vẫn không điện thoại được cho Kiên.
2. Đi xe máy theo quốc lộ 6 lên Sơn La từ hôm trước, theo kế hoạch, hôm nay Kiên và ba bạn khác sẽ qua Mường Chiến, cắt Nâm Khắt tìm đường nối vào đường 32C ở Khau Phạ. Trời mưa khá to, đường không chắc thông, điện thoại không có sóng... Hai người ngồi ăn mà ruột nóng như than, không biết bạn đồng hành giờ lưu lạc nơi nào.
Ăn xong, chúng tôi vào một nhà nghỉ thuê phòng đợi. 22g, điện thoại của tôi rung lên. Tôi gần như vồ lấy và vui mừng nhận ra Kiên ở đầu bên kia. Các bạn đã đến đường 32C và 20 phút nữa sẽ về tới. Chúng tôi vội vã chạy xuống tầng 1 đặt cơm. Bữa ăn đêm với rượu táo mèo ngọt lừ, cá suối rán giòn, xôi nếp nóng bỏng thơm mùi gạo mới và thịt nướng thật ấm áp vì “đoàn tụ”.
Sáng, chúng tôi chạy xe vào sâu trong cánh đồng Tú Lệ. Thung lũng mở ra bát ngát và dập dồn cánh lúa, một vài sắc váy áo Mông nổi bật giữa đồng, trẻ con lấp ló tò mò sau khung cửa. Cuộc sống giản dị, bình yên. Rời Tú Lệ, ba chiếc xe bon bon ngược về Văn Chấn. Qua Nghĩa Lộ thấy một dải núi giăng như thành cao chất ngất trước mắt, một con đường như dao chém lúc ẩn lúc hiện trong mây. Con đường đến với Phình Hồ.
|
Các em bé dân tộc Mông vui chơi cùng du khách - Ảnh: Đ.H. |
3. Phình Hồ (Trạm Tấu, Yên Bái) nổi tiếng trong câu chuyện rỉ tai của dân đi “bụi” bằng xe máy - nơi cao ngất đỉnh trời, những ngôi nhà sàn bằng pơ mu đen bóng, những đoàn ngựa thồ bí ẩn khi chiều buông. Giữa trưa nắng chang chang mà đường lên Phình Hồ lạnh buốt, mây từ thung lũng cứ dâng lên và ùn ùn kéo ra phủ kín con đường, rồi tan biến như chưa từng tồn tại. May mắn khi đứng trên một điểm cao lúc trời trong, mây tan là thấy lòng chảo Văn Chấn, Nghĩa Lộ được bao bọc bởi những dãy núi giăng vòng tròn, những đồi chè lô xô như bát úp, xanh mướt mát dưới chân mây.
Đường vào Phình Hồ rồi Làng Nhì nhọc nhằn sỏi đá, những khúc quanh cao và cua đến lạnh người. Một bạn đồng hành bắt đầu sốc độ cao sau khi nhìn thấy một chiếc xe tải lăn xuống vực. Cả nhóm dừng chân bên vệ đường, hái búp chè tươi và đun nước nóng bằng bếp cồn, ngắm một bản người Mông quần cư mộc mạc và thanh bình phía bên kia con núi.
4. Tới đầu Làng Nhì đã thấy trời chập choạng bóng đen. Từ một con đường nhỏ bên hông đường, một đoàn người ngựa túc tắc bước ra. Chúng tôi dừng xe cả lại. Mỗi con ngựa một người dắt, hai bên hông hai súc gỗ pơ mu. Người dắt ngựa có lẽ là người dân tộc Mông, có cả phụ nữ, trẻ em nhưng phần lớn là đàn ông. Đoàn người bước đi trong lặng lẽ, chỉ có tiếng vó ngựa gõ lộp cộp trên mặt đường. Vài con ngựa lồng lên khi mấy chiếc xe máy chạy qua...
Và huyền thoại Phình Hồ vẫn chờ chúng tôi ở chặng đường trước mặt. Từng chặng, từng chặng lại gặp một đoàn người - ngựa - gỗ bước đi trong lặng lẽ. Đã có nhiều cảnh báo từ một vài nhóm “phượt” trước đó ở khu vực này nên không ai dừng lại chụp ảnh...
Trong giấc mơ ở Văn Chấn đêm hôm ấy, tôi mơ thấy những con ngựa lúc lắc hai súc gỗ bên hông, người phụ nữ Mông tóc vấn cao, áo xanh, váy dệt thổ cẩm như bảy sắc cầu vồng, tay cầm cương bước đi bên cạnh. Giấc mơ thơm lừng mùi gỗ pơ mu mới xẻ đã ám ảnh tôi đến tận bây giờ...
Theo TT