Trong trí nhớ của người dân, trước đây làng Tamang Gheng là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” không đường, không điện, không bóng người. Từ khi chính quyền huyện An Lão chọn vùng đất này làm khu tái định cư giãn dân thì làng Tamang Gheng mới bắt đầu có người đến sinh sống. Tại huyện An Lão, gia đình nào đông con đất chật không có chỗ ở thì đăng ký định cư ở làng Tamang Gheng để được cấp đất ở, được hỗ trợ từ 4-5 triệu đồng để xây dựng nhà.

leftcenterrightdel
 Ngôi nhà nhỏ của mẹ con chị Đinh Thị Hồng ở làng Tamang Gheng

Trước năm 2009, làng Tamang Gheng chưa có cây cầu Đất Dài nối với thị trấn An Lão, cư dân ở đây hầu như không được nhìn thấy ánh sáng điện đường, bởi đò giang cách trở. Cuộc sống người dân ở đây phần lớn đều rơi vào hoàn cảnh khốn khổ, không tiền bạc, nhà cửa, đất đai. Họ phải rong ruổi khắp nơi để làm nghề khai thác gỗ, trồng rừng thuê kiếm kế sinh nhai.  

Những gia đình đến làng Tamang Gheng sinh sống, ban đầu đều đủ cả chồng lẫn vợ, thế nhưng sống chung được vài năm thì người chồng bỏ lại vợ con đi biệt tích vì cuộc sống khốn khó, vợ chồng ly hôn, chồng mất. Nhiều phụ nữ sau khi ly hôn, bước ra khỏi nhà chồng lâm vào cảnh không chốn nương thân cũng về làng Tamang Gheng sinh sống. Bởi vậy ngay từ khi mới thành lập làng, Tamang Gheng đã có nhiều mái nhà không chồng. Cả làng có 70 hộ thì có gần 20 hộ gia đình là phụ nữ đơn thân nuôi con.

Ông Huỳnh Văn Lệ - người làng Tamang Gheng chia sẻ với chúng tôi: “Tôi đến đây sinh sống từ năm 2007 đến nay. Làng này gọi là làng không chồng vì có nhiều phụ nữ trong làng đơn thân nuôi con. Họ đều là phụ nữ đã có chồng nhưng ly hôn, chồng mất, chồng bỏ đi không về. Từ đó họ sống một mình nuôi hai hoặc ba đứa con. Tuy cuộc sống vất vả nhưng các chị vẫn tạo điều kiện cho con em ăn học nên người...

Chúng tôi gặp chị Đinh Thị Hồng (38 tuổi) người làng Tamang Gheng. Cô gái người dân tộc Hrê xinh đẹp ngày nào bây giờ là một phụ nữ bệnh tật, một nách nuôi hai con nhỏ. Đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ học lớp 3. Hơn một năm rưỡi nay người chồng bỏ đi biệt tích, chưa về thăm con lấy một lần, chị cũng không biết chồng đang ở đâu, còn sống hay đã chết. Tâm sự với chúng tôi chị Hồng cho biết: Ở làng có nhiều chị cũng rơi vào hoàn cảnh như tôi, các chị em đùm bọc yêu thương nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, có việc gì làm thì gọi nhau đi làm kiếm thêm thu nhập nuôi con. Tôi chỉ mong ước có phép màu giúp tôi phẫu thuật mắt do bị hỏng, trả lại cuộc đời trước kia cho tôi và các con được sống vui vẻ, no ấm, được đến trường mỗi ngày”.

Chúng tôi chia tay làng Tamang Gheng trong cơn mưa chiều, làng vẫn nằm yên ả, vắng lặng giữa thung lũng núi rừng An Lão. Tiếng phụ nữ nói chuyện, tiếng trẻ em vui đùa hồn nhiên. Chúng tôi ra về với niềm trăn trở về số phận cuộc đời của những người phụ nữ và những đứa trẻ nơi đây. Một phép màu có thể giúp cho các chị em không chồng làng Tamang Gheng có được cái nghề kiếm sống phù hợp với trình độ, sức khỏe, làm tại nhà để tiện chăm sóc con cái, họ không phải vào rừng trồng keo, lột vỏ cây rừng thuê cực nhọc vất vả như hiện tại. 

Lê Bình