(BVPL) - Trung tuần tháng 5 vừa qua, tại Hà Nội, Thư viện Quốc gia phối hợp với Tạp chí Xưa và Nay tổ chức triển lãm bộ sưu tập ảnh với chủ đề “Ký ức về Việt Nam 1895 - 1896” của tác giả người Pháp Armand Rousseau. Triển lãm đã trưng bày gần 300 tư liệu ảnh được cố Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau ghi lại trong thời gian thực thi nhiệm vụ ở Đông Dương từ năm 1895 đến năm 1896. Ông đã đột ngột qua đời vào ngày 10-12-1896.

 


Sau khi so sánh bức tranh “Bình văn” của họa sỹ Lê Huy Miến với bức ảnh “Ông đồ dạy học cho trẻ” của Armand Rousseau thì bức ảnh này như là một phác thảo kỹ để Lê Huy Miến tạo nên bức tranh sơn dầu của mình. Vị Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau qua đời được 3 năm  (1899) thì họa sỹ Lê Huy Miến mới về nước. Không hiểu cơ duyên nào mà Lê Huy Miến có được bức ảnh quý giá này khiến ông đã phải dành nhiều năm để “chuyển thể” thành bức tranh sơn dầu lịch sử này.

Cuộc đời của Lê Huy Miến là cuộc đời của một nhà giáo yêu nước khẳng khái, quan trọng hơn là đời của một họa sỹ. Những tác phẩm của ông phần lớn là chân dung sơn dầu, mang đậm tính hàn lâm với bố cục, hình họa và màu sắc nghiêm chỉnh, bút pháp minh bạch, chính xác, cẩn trọng và trầm lắng. Lối thể hiện này có thể nói là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam thời ấy. Mãi cho đến năm 1925, khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời, mở ra một nền Mỹ thuật hiện đại, độc đáo, mang màu sắc Việt Nam đã xuất hiện nhiều tài năng tên tuổi như: Nam Sơn, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Phang Trần Phềnh, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ....đã góp những tiếng nói riêng biệt của Việt Nam vào kho tàng nghệ thuật thế giới.

Những năm cuối đời, họa sỹ Lê Huy Miến sống trong cảnh mù lòa nên ông không thực hiện được giấc mộng dành phần đời còn lại cho hội họa. Lê Huy Miến mất ngày 6/6/1943, hưởng thọ 71 tuổi.

Về bức tranh “Bình văn”:

Năm 1968, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân tình cờ phát hiện tại gia đình nhà điêu khắc Nguyễn Mạnh Quân ở phố Khâm Thiên, Hà Nội một bức tranh sơn dầu cũ, rất đẹp và lạ. Tới năm 1972, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mua với giá gấp ba lần bức Em Thúy của họa sĩ Trần Văn Cẩn.

Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân đánh giá bức Bình văn: “…họa sĩ Lê Văn Miến với bức tranh Bình văn là một cái mốc mà lịch sử mỹ thuật nước nhà chỉ có thể coi là thuận lợi và đẹp đẽ. Nó làm cho hội họa hiện đại Việt Nam có thêm một phần tư thế kỷ tuổi đời và thêm một học vấn vững chãi không lặp lại một lần thứ hai nào nữa”.

Năm 2005, bức Bình văn có tuổi đời hàng thế kỷ bị xuống cấp nghiêm trọng. Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đem sang CHLB Đức để thực hiện hợp đồng phục chế với trường Đại học Công nghệ Kỹ năng Dresden (Technische Universität Dresden). Rất tiếc, do bức tranh bị phủ một lớp dầu gọi là “dầu mặt sơn” dùng để thoát bóng tranh tranh sơn mài nên việc phục chế không thành công.

“Bình văn” được họa sỹ Lê Huy Miến vẽ lại bằng sơn mầu từ bức ảnh đen trắng “Ông đồ dạy học cho trẻ” của Armand Rousseau, được đánh giá là tác phẩm sơn dầu đầu tiên của nền hội họa đương đại nước nhà, có giá trị tiêu biểu trong bộ sưu tập tranh cận đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Xuất xứ của bức tranh Bình văn từ bức ảnh của Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau vừa là chứng cứ lịch sử, vừa là sự giao thoa văn hóa làm tăng thêm giá trị cho tác phẩm và tác giả Lê Huy Miến.    
 

Vũ Thanh Nhàn

.