leftcenterrightdel
 Hình ảnh do các cá nhân post lên trang mạng để tẩy chay nữ nhà văn Gào

Gào tên thật là Vũ Phương Thanh – nữ nhà văn được nhiều bạn trẻ biết đến với các tác phẩm như: Tự sát, Son môi, Cho em gần anh thêm chút nữa. Cô là một hot blogger đình đám, sở hữu hàng triệu lượt người xem. 

Tuy nhiên, gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin “xấu” đăng tải nhằm bồi nhọ danh dự và uy tín khiến gia đình nữ nhà văn lao đao. Chia sẻ về những thông tin này, nhà văn Gào bức xúc: “Họ liên tục đưa tin, chia sẻ các bài đăng để câu Like, View hoặc các mục đích thương mại khác nhằm triệt hạ uy tín của tôi. Không chỉ dừng lại ở một số thông tin nhạy cảm, các hình ảnh riêng tư của gia đình mà các đối tượng này còn lập nên những trang Anti – Gào để tấn công mạnh mẽ vào mọi ngóc ngách của đời sống riêng tư của tôi, kể cả những thành viên nhỏ của gia đình vẫn trở thành chủ đề cho các thành viên trên các trang mạng chia sẻ, bình luận”.

leftcenterrightdel
 Những trang mạng xã hội liên tục lăng mạ nữ nhà văn bằng đủ mọi cách khiến cô mệt mỏi, trầm cảm.

Được biết, Nhà văn Gào cũng đã có đơn yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hồ Chí Minh điều tra, khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức liên quan. Theo đơn tố cáo, nữ nhà văn Gào đề nghị Cơ quan điều tra vào cuộc, xác minh làm rõ những động cơ lăng mạ, bôi nhọ danh dự cô. Nữ nhà văn cũng đề nghị xử lý nghiêm những đối tượng đã công kích, lăng mạ mình theo quy định và có biện pháp răn đe thích đáng.

Theo Luật sư Trần Văn Hợp - Văn phòng Luật sư Sài Gòn Trẻ, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh thì: “Về mặt pháp lý, việc lập trang mạng, lập các hội, nhóm nhằm chống phá, công kích người khác, bịa đặt loan truyền các tin đồn thất thiệt để hạ uy tín, xúc phạm đến người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Mọi hành vi trong đời sống thực ngoài xã hội, cũng như trên mạng xã hội đều được điều chỉnh bởi luật pháp. Các tài khoản người dùng trên mạng xã hội cũng được “định danh” và được quản lý bởi các Cơ quan quản lý chuyên ngành (An ninh, truyền thông, quản trị mạng..). Người dùng không thể ngây thơ nghĩ rằng mình dùng các tài khoản ẩn danh, hoặc bằng tên gọi khác thì sẽ tha hồ “chém phím” trên mạng và không ai có thể tìm thấy.

Luật sư Hợp cũng cho biết, theo Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 (có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2018), Luật An Ninh Mạng (có hiệu lực từ 01/01 2019) sẽ truy cứu những hành vi trái pháp luật của cá nhân, tổ chức khi sử dụng mạng xã hội để xâm phạm vào lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, xâm phạm vào quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Mọi quan hệ xã hội đều được điều chỉnh bởi pháp luật, kể cả không gian mạng. Vì vậy, những người dùng mạng xã hội nên thận trọng, cân nhắc, lựa chọn và có cách hành xử đúng mực, có văn hóa mạng.

Trong thời đại công nghệ thông tin, mạng xã hội là một sản phẩm không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng bắt đầu bộc lộ những tác dụng ngược, phát sinh hệ quả xấu do những người dùng quá khích, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi hoặc sử dụng vào các mục đích xấu nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân mà không nhận thức được hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với đối tượng bị tác động.

Thiết nghĩ, những người dùng mạng xã hội để tương thích với nhau cũng nên cẩn trọng và tỉnh táo trước những thông tin không chính thống, thiếu khách quan để tránh gây nên những hệ lụy khôn lường làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự người khác.

Nam Phong