(BVPL) - Cứ bước chân ra đường, là bất cứ người Việt nào cũng cảm thấy vô cùng sợ hãi, bởi tình trạng kẹt xe, ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra, cùng với đó là khói bụi, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông có thể đến bất cứ lúc nào. Chẳng thế mà mỗi năm, số người bị tai nạn giao thông của Việt Nam đã tương đương với số người chết và bị thương trong cuộc chiến tranh tại Irắc mà Mỹ đã phát động cách đây 10 năm.
 


Trong khi các phương tiện giao thông ngày càng gia tăng thì ý thức tham gia giao thông của con người lại ngày càng xuống cấp, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Theo điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, gần 80% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 đến 35, gần 80% sinh viên đi xe máy không có giấy phép lái xe, 95% sinh viên điều khiển xe sai kỹ thuật. Đặc biệt, có nhiều học sinh, sinh viên không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn để đến trường.

Hàng năm, ở Việt Nam có hàng nghìn vụ tai nạn giao thông (nhiều nhất là xe máy), tuy nhiên một bộ phận giới trẻ lại không nhận thức được rõ hiểm họa này. Đã có rất nhiều biện pháp được đưa ra và thực hiện để nâng cao ý thức tham gia giao thông của tầng lớp học sinh, sinh viên. Về phía Nhà nước, đã có cả một chế tài xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm giao thông không chỉ cho học sinh, sinh viên mà cho tất cả mọi người. Về phía gia đình và xã hội đã có không ít những lời cảnh cáo, khuyên răn, tuyên truyền… nhưng dường như, các giải pháp đó vẫn bị các học sinh, sinh viên “vô hiệu hóa” khi những hành vi vi phạm vẫn diễn ra một cách “vô tư”.

Không chỉ thiếu ý thức khi tham gia giao thông, mà nhiều hành vi của người Việt Nam còn thể hiện sự méo mó trong nhận thức tâm linh, văn hóa. Có thể kể đến như lễ hội chọi trâu, chém lợn. Không biết thần thánh nào sẽ ban phúc khi con người nhẫn tâm chặt con lợn đang kêu thảm thiết ra làm hai với nhát dao bén ngọt. Trong khi dòng máu tuôn trào chưa kịp nguội, hàng trăm con người đổ xô vào thấm máu lên những đồng tiền và hỉ hả vì sẽ gặp may mắn cả năm.

Những con trâu cũng bị xẻ thịt ngay khi cuộc đấu vừa kết thúc. Giá thịt trâu bị đội lên tới hàng triệu đồng. Và người ta lại chén chú chén anh bằng chính thịt những con trâu, lợn đã cùng mình “chinh chiến”. Rồi hiện tượng các nhà ngoại cảm, tìm mộ liệt sĩ mọc lên như nấm, thật giả lẫn lộn.

Hàng năm, từng đoàn người đi lễ Chùa Hương, Bà Chúa Kho, chùa Bái Đính… sì sụp khấn vái, cầu thăng quan tiến chức, tiền tài danh vọng. Lễ vật dâng lên đầy những lợn quay, gà luộc, xôi oản, vàng mã chất đống ngồn ngộn như núi, nhưng lễ xong, người ta lại ngồi la liệt thụ lộc ngay cạnh vệ đường, mọi người hầu như đã quên một điều tối thiểu là phải chay tịnh khi lên chùa lễ Phật.

Mọi người, ngày rằm mùng một lên chùa khấn vái, nhưng hàng ngày cũng chẳng tâm niệm những điều răn của Phật: thấy người bị nạn thay chẳng đến cứu giúp, đã nhân cơ hội để thỏa mãn lòng tham như hôi của, cướp bóc.

Chứng kiến những cảnh tượng đó mà buồn thay!
 

Nhóm PVVH

.