Từ ngày Nhà Quốc hội được đưa vào hoạt động, cánh báo chí chúng tôi rất phấn khởi, vì từ nay có Trung tâm Báo chí rộng rãi, khang trang để hoạt động tác nghiệp. Mặc dù phải đi bộ từ nơi để xe đến Hội trường trong cái nắng chang chang tháng 6 với một khoảng cách tương đối xa, nhưng với những PV nghị trường vốn đã quen rèn luyện trong áp lực thì đó cũng không phải là điều quá khó khăn. Tuy vậy, cũng giống như những kỳ họp trước, ngoại trừ các PV có “Thẻ A” được ở trong và ngoài hội trường, còn lại ai muốn lên tác nghiệp lúc Quốc hội nghỉ giải lao phải được Trung tâm Báo chí (thuộc Văn phòng Quốc hội) cấp Thẻ sự kiện.
Tuy nhiên, Thẻ sự kiện cũng chỉ phát ra với số lượng hạn chế, trong đó 2/3 số thẻ được ưu tiên cho các báo “lớn”, phần còn lại mới dành cho các báo có chủ đề định hướng tuyên truyền phù hợp với nội dung của buổi họp. Thế nên mới có chuyện, có PV cả kỳ họp đăng ký cũng không được lên hành lang trong giờ giải lao của Quốc hội để có thể phỏng vấn đại biểu theo chủ đề đăng ký với Ban biên tập, hay các chủ đề thời sự khác đang được dư luận xã hội quan tâm. Cũng có PV, có được Thẻ sự kiện để lên được hành lang Quốc hội trong giờ giải lao, nhưng hết giờ giải lao cũng chưa phỏng vấn được đại biểu theo định hướng bài viết của mình…
Bởi đơn giản, có 4 cửa ra vào trong hội trường Quốc hội, giờ giải lao các đại biểu đi ra ngoài, nếu đại biểu nào có ý định trao đổi với báo chí sẽ chủ động dừng lại. Đối với các báo ngày, được đăng ký 2 - 3 PV tham dự trong một kỳ họp có thể “đón đầu” ở 2-3 cửa ra vào hội trường thì có thể dễ tiếp xúc với đại biểu cần phỏng vấn, còn với các báo chỉ có 1 PV tham gia đưa tin về kỳ họp thì xác xuất tiếp cận đại biểu trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, trong “cái khó sẽ ló cái khôn”. Với PV có kinh nghiệm thì ngay khi đến Trung tâm Báo chí thì việc đầu tiên là chọn chỗ ngồi cạnh các cơ quan báo “lớn” để có thể xin ảnh (tránh nguồn phụ thuộc phải trông chờ vào sự cập nhật trên trang web của Quốc hội). Đồng thời, sau khi có PV nào từ hành lang Quốc hội về, PV các báo có thể cùng ngồi bóc băng và trao đổi, “lựa” những nội dung thông tin phù hợp với tờ báo của mình…
|
|
Đại biểu càng sẵn sàng bày tỏ chính kiến với PV, báo chí càng làm tốt vai trò cầu nối đại biểu với cử tri. |
Với nhiều PV có điều kiện để có thể lên hành lang Quốc hội, khoảng thời gian 20 phút Quốc hội giải lao mới thực sự là “phút vàng”. Điều này xuất phát từ yêu cầu về thông tin, cách tiếp cận nội dung và đối tượng bạn đọc của từng báo. Cái khó lớn nhất của PV theo dõi mảng Quốc hội là làm sao nhận được sự chia sẻ, trao đổi hay kể cả nhận xét của nhiều đại biểu Quốc hội. Bởi Quốc hội là một diễn đàn rộng lớn, rất cần sự trao đổi để đi đến thông hiểu vấn đề mà quan điểm của đại biểu Quốc hội ngay trên diễn đàn hoặc bên lề kỳ họp là rất quan trọng. Bản thân mỗi PV theo dõi, đưa tin Quốc hội cũng rất muốn được sự ủng hộ của đại biểu Quốc hội bằng cách nêu ra quan điểm cá nhân. Đại biểu càng sẵn sàng bày tỏ chính kiến với PV, báo chí càng làm tốt vai trò cầu nối đại biểu với cử tri.
Mỗi kỳ họp Quốc hội diễn ra cả tháng, vì thế mỗi khi phỏng vấn về vấn đề gì, trên báo chí thường xuất hiện những gương mặt đại biểu Quốc hội “quen”. Qua vài kỳ họp Quốc hội, họ với những PV nghị trường đã trở nên thân thiết và với các PV nghị trường thì phải nói rằng thực sự được an ủi khi có những đại biểu sẵn lòng trao đổi, thể hiện hết trách nhiệm của mình, để PV theo dõi Quốc hội hoàn thành được nhiệm vụ. Và trong thâm tâm, những người làm báo chúng tôi mong muốn được nhiều hơn nữa đại biểu Quốc hội quan tâm, chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm - đại diện cho nguyện vọng của cử tri - với báo chí để tiếng nói của họ đến rộng rãi hơn với cử tri cả nước.
Từ Quốc hội khóa XI trở lại đây, Quốc hội thực hiện theo chủ trương mới với 25% đại biểu hoạt động chuyên trách. Và cũng từ những kỳ họp gần đây của Quốc hội, có những đại biểu như: Dương Trung Quốc, Lưu Bình Nhưỡng, Hoàng Văn Cường, Nguyễn Hữu Cầu... Đây là những người “châm ngòi”, xốc dậy và hâm nóng hội trường, nhất là ở những phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Thường xuyên chia sẻ ý kiến cùng anh em báo chí, bà Nguyễn Thanh Hải (Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội) có cách nhìn đầy động viên đối với các nhà báo nghị trường: Những vấn đề dù nhạy cảm thì báo chí cứ phản ánh trung thực, còn quyền lựa chọn là của các nhà quản lý, đại biểu Quốc hội, cử tri, vì dân trí giờ rất cao, không phải vì những bài “nóng” mà đại biểu Quốc hội hiểu sai cơ quan quản lý đâu, mà là từ đó để tháo gỡ những khó khăn. Còn viết báo mà cứ xuôi chiều, báo chí đi sau thì tôi cho rằng vô nghĩa. Riêng mảng phòng, chống tham nhũng, báo chí nên tập trung đi sâu hơn nữa thì rất tốt.
|
|
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại buổi họp báo công bố nội dung kỳ họp của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Có thể thấy rằng thời gian qua, hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn nói riêng của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, tác động tích cực đến nhiều mặt hoạt động, công tác điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, bất cập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội quyết định lựa chọn 4 nhóm vấn đề cần chất vấn, là những vấn đề lớn của đất nước được nhân dân và cử tri quan tâm. Gắn với mỗi nhóm vấn đề, Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực đó sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các lĩnh vực nêu trên và các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan trong các phiên chất vấn khi cần thiết sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình làm rõ thêm những nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm đến từng nhóm vấn đề chất vấn.
Để nâng cao hiệu quả, tăng tính đối thoại trong hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và nhất là trách nhiệm của người trả lời chất vấn trước nhân dân, Quốc hội tiếp tục có những đổi mới về cách thức chất vấn. Theo đó, mỗi lượt chất vấn sẽ mời 3 đại biểu đặt câu hỏi với thời lượng cho mỗi đại biểu là 1 câu hỏi trong 1 phút, người trả lời chất vấn có tối đa là 3 phút để trả lời cho mỗi một câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn cũng cần đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn, thẳng thắn, xác định rõ trách nhiệm, hướng khắc phục và lộ trình thực hiện trong thời gian tới… Có thể nói, sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội những năm gần đây là điều mà mọi người dễ nhận thấy. Đối với cánh báo chí, sự đổi mới ấy được hiển hiện trên từng con chữ, khuôn hình... Để chuyển tải, cung cấp những thông tin chính xác, hấp dẫn, nóng hổi nhất đến bạn đọc và nhân dân, các PV tác nghiệp tại nghị trường đã phải nỗ lực rất lớn theo cách riêng của mình.
Thông thường, mỗi phiên thảo luận, rất nhiều đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu đóng góp xây dựng luật, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách vĩ mô, hiệu lực giám sát tối cao của Quốc hội. Trước đây, vào đầu giờ chiều, Trung tâm Báo chí thường có văn bản gốc, gỡ từ băng ghi âm phát biểu của đại biểu Quốc hội tại nghị trường phục vụ các nhà báo. Nhưng tại những kỳ họp gần đây, không hiểu vì sao nguồn tư liệu quý giá này chỉ được cung cấp vào chiều muộn, thậm chí vào… sáng hôm sau!
Nếu chờ “đồ ăn sẵn” hoặc đến cuối buổi họp, các nhà báo mới tự “bóc băng” thì việc nộp tin, bài cho tòa soạn sẽ quá muộn. Do đó, PV các báo đã có cách làm rất sáng tạo: Họ phối hợp với một số phóng viên báo khác tiến hành gỡ băng theo kiểu “cuốn chiếu”, ngay sau khi đại biểu kết thúc ý kiến. Ai gỡ xong gửi cho cả nhóm bản gốc, mỗi người sẽ tự lựa chọn ý kiến, nội dung, chủ đề quan tâm để hoàn thành tác phẩm báo chí theo yêu cầu của báo mình.