(BVPL) - Hình ảnh đàn chim bồ câu bay lượn trước nhà thờ Đức Bà (TP Hồ Chí Minh) từ lâu đã quen thuộc với người dân thành phố và thu hút du khách thập phương. Đàn chim ấy được những người lao động bình dị nơi đây chăm sóc, nuôi dưỡng như chính cuộc sống của mình.
Nhà thờ Đức Bà là nơi du khách thường ghé qua khi đặt chân đến Sài Gòn. Nơi đây không chỉ thu hút bởi sự cổ kính, trang nghiêm mà nó còn có một điều đặc biệt làm du khách thích thú. Đó là đàn chim bồ câu vô chủ nhưng thân thiện và “mến khách”.
|
Đàn chim không chỉ làm đẹp cho thành phố, mà còn mang thông điệp “hòa bình” đến với tất cả mọi người. Ảnh : Quỳnh My |
Giữa sự ồn ào của chốn phồn hoa đô thị, hình ảnh cánh chim bồ câu bay lượn trên bầu trời nhà thờ Đức Bà đã mang đến cho người dân thành phố sự yên bình lạ thường. Những chú chim bồ câu vô chủ từ lâu đã được coi là “đặc sản” khi đến thăm nhà thờ. Chúng không chỉ làm đẹp cho thành phố, mà còn mang thông điệp “hòa bình” đến với tất cả mọi người.
Để bảo vệ vẻ đẹp “hòa bình” ấy, có những con người thầm lặng ngày ngày chăm sóc, nuôi dưỡng đàn chim. Họ là những người dân lao động trong thành phố, vì tình yêu với đàn chim bồ câu, cũng như muốn thành phố luôn đẹp, luôn ấn tượng trong mắt du khách nên tự bỏ tiền túi ra mua thức ăn “đãi” chim trời.
|
Đàn chim thu hút sụ chú ý của nhiều người đặc biệt trẻ em rất thích thú với chúng |
Từ năm 2002 tới nay, một tuần 3 lần, anh Nguyễn Phi Cường – người bán tem cổ bên hông bưu điện đều đến nhà thờ cho đàn chim ăn. Đối với anh, chúng đã trở thành tri kỉ. Mỗi ngày anh dành 100 ngàn đồng mua thóc và đậu xanh cho đàn chim. Mặc dù tốn kém nhưng anh thấy vui, bởi đàn chim gắn bó với anh từ những ngày đầu xuất hiện. Anh cho biết lúc đó chỉ có hơn chục con, giờ đã lên đến 300 – 400 con rồi. Thấy đàn chim lớn lên từng ngày bởi những hạt thức ăn mình đem đến, anh thấy bình yên và hạnh phúc.
Chị Thanh – người bán nước bên hông nhà thờ coi đàn chim bồ câu là một phần cuộc sống của mình. Mỗi lần có người hỏi về đàn chim, chị rất rạng rỡ và tự hào. Chị nói rằng lúc đầu chị ghét đàn chim này lắm, vì nhà khó khăn mà chồng chị lại mua thóc cho chúng ăn. Nhưng dần dần, chị càng yêu mến chúng. Mỗi lần cho ăn, chị thấy thanh thản lạ lùng. Dù số tiền mua thức ăn lên tới hàng triệu đồng, nhưng chị không thấy tiếc nuối mà thấy vui vẻ vì đã góp phần bảo vệ “hòa bình”, tô thêm vẻ đẹp cho thành phố.
Vợ chồng chị Thanh cùng anh Cường thay phiên nhau quản lý đàn chim ngày 2 buổi. Anh Cường trông từ 5h đến 7h, vợ chồng chị Thanh sẽ trông từ 10h đến 15h. Mỗi lần trông, họ sẽ cho chúng ăn từ 3 đến 5kg thóc, bảo vệ chúng khỏi những người bắt trộm, và ra hiệu cho chúng bay lên khi khu vực có nhiều xe qua lại.
|
Không chỉ làm đẹp cho thành phố, mà còn mang thông điệp “hòa bình” đến với tất cả mọi người |
Ngoài anh Cường, chị Thanh, còn có những người góp sức bảo vệ “hòa bình” của thành phố như ông Điệp, chú Hùng, chị Vân. Họ cũng yêu mến đàn chim và bỏ tiền túi mua thức ăn nuôi dưỡng chúng. Họ chỉ mong đàn chim được duy trì, được khỏe mạnh để thành phố có chốn yên bình.
Đàn chim bồ này đã xuất hiện từ 15 năm trước. Trải qua bao thăng trầm, đến nay chúng đã trở thành biểu tượng của nhà thờ Đức Bà, của thành phố Sài Gòn náo nhiệt. Với sự huấn luyện của những người nuôi dưỡng, chúng đã “thuần” hơn, gần gũi hơn và biết nghe theo hiệu lệnh. Khi nghe tiếng huýt sáo, lắc chuông hoặc lắc hộp là chúng sà suống ăn thành từng lớp. Khi muốn chúng bay đi, chỉ cần gõ chai nhựa vào hộp thiếc.
Dù nuôi dưỡng chúng nhưng chị Thanh, anh Cường không bao giờ tự cho mình quyền sở hữu. Họ cho rằng, đàn chim thuộc về tự nhiên, chúng tự do và không của riêng ai. Họ tự nguyện nuôi dưỡng, tự nguyện chăm sóc, và luôn nhắc nhở mọi người khi đến đây thăm chúng.
|
Những người đến thăm có thể mang thóc đến cho chim ăn, nếu không mang thóc thì có thể mua đậu xanh với giá 10000 đồng/ly. Ảnh : Quỳnh My |
Những người đến thăm có thể mang thóc đến cho chim ăn, nếu không mang thóc thì có thể mua đậu xanh của chị Thanh với giá 10000 đồng/ly. Chị cho biết chị bán thức ăn cho chim ăn để giới hạn số lượng khách vô ý thức vứt thức ăn bừa bãi, mặc kệ chim có ăn hay không. Số tiền bán đậu xanh đó chị thêm vào tiền mua thức ăn nuôi đàn chim.
|
Anh Phi Cường (người ngồi ghế ) đã nuôi đàn chim từ nam 2002 tới nay. Ảnh: Quỳnh My |
Chị Phạm Thị Hoa, nhà ở gần nhà thờ Đức Bà thường cho con trai 7 tuổi đến đây cho chim ăn chia sẻ: “Con trai tôi rất thích đến đây cho đàn chim ăn, nó đòi đến đây suốt. Tôi rất mừng vì cháu còn nhỏ mà biết yêu thương động vật. Tôi thường bảo cháu là phải biết bảo vệ chúng”.
Đàn chim bồ câu bay lượn trên bầu trời nhà thờ Đức Bà như một mảng màu tĩnh lặng giữa bức tranh ồn ào, náo nhiệt của thành phố Sài Gòn hiện đại. Những người góp phần tô vẽ mảng màu kia luôn cố gắng giữ gìn nó. Họ yêu thương, chăm sóc đàn chim như con của mình. Đối với họ, việc nuôi chúng còn góp phần vào vẻ đẹp của thành phố, bảo vệ chúng cũng như bảo vệ sự yên bình nơi đây.
Quỳnh My – Minh Châu