(BVPL) - Trải qua mấy mươi thế kỷ dựng nước và giữ nước, bao phen kẻ thù đã “muốn đốt ta thành gió bụi”, “muốn ta bán mình ô nhục” nhưng chúng ta “đã hóa vàng nhân phẩm lương tâm” dân tộc ta đã “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” làm nên biết bao kỳ tích, thắng lợi. Trong những năm tháng huy hoàng ấy, có nhiều năm thuộc năm Ngọ. Xuân Giáp Ngọ đã về, trong tiết trời Xuân ấm áp, bâng khuâng, chúng ta cùng nhau ôn lại những năm Ngọ oai hùng ấy của dân tộc.
Năm Bính Ngọ (766): Trước sự tàn bạo của nhà Đường, lòng căm thù giặc của nhân dân ta như ngọn lửa bốc cao ngùn ngụt. Phùng Hưng đã phát động một cuộc khởi nghĩa vĩ đại cho toàn dân ta. Nhân dân khắp nơi hưởng ứng rầm rộ, nổi lên đánh giặc cứu nước, khiến quân tướng nhà Đường phải hoảng sợ, đại bại và cút khỏi nước ta. Phùng Hưng lên cầm quyền lãnh đạo đất nước.
Năm Nhâm Ngọ (1042): Lý Thái Tông cho biên soạn và ban hành Bộ luật Hình thư. Đây là bộ luật thành văn đầu tiên ở nước ta. Bộ Hình thư ra đời là một sự kiện vô cùng quan trọng của lịch sử pháp quyền Việt Nam. Nó chứng tỏ nhà nước Trung ương tập quyền đã có tính chất tương đối ổn định. Việc ban hành luật pháp bằng văn bản đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc, một trình độ văn minh cao trong tổ chức và quản lý xã hội triều Lý.
Năm Giáp Ngọ (1054): Lý Thánh Tông lên ngôi, đổi tên nước ta thành Đại Việt (trước đó là Đại Cồ Việt). Tiếp tục sự nghiệp của Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông xây dựng đất nước thành một quốc gia hùng mạnh, đạt nhiều thành tựu to lớn về các mặt kinh tế và văn hóa. Mặt khác, Lý Thánh Tông luôn củng cố mặt quân sự, tăng cường bố phòng cho mặt phía Bắc của Tổ quốc, đoàn kết các lực lượng dân tộc thiểu số, cùng nhau bảo vệ biên cương… Tiếp đó, Lý Thánh Tông đích thân dẫn quân đánh bại lực lượng Cham Pa, bảo vệ vững chắc biên cương phía Nam của Tổ quốc.
Năm Mậu Ngọ (1258): Đánh dấu mốc son chói ngời của lịch sử nước ta trong công cuộc chống ngoại xâm. Đây là năm dân tộc ta phải đương đầu với đội quân xâm lược hung hãn và mạnh nhất thời bấy giờ là quân Nguyên. Thuở ấy, cả thế giới đang chấn động bởi họa xâm lăng của đế quốc Mông Cổ. Bóng đen xâm lược của chúng đã kéo đến nước ta sau khi chúng đánh chiếm Vân Nam, Trung Quốc, đè bẹp sức chống cự của khắp châu Âu, châu Á. Hốt Tất Liệt dụ vua Trần đầu hàng, nhưng quân dân ta với tinh thần độc lập tự cường, đã gấp rút chuẩn bị kháng chiến và đã đánh trả quân xâm lược quyết liệt. Khi vua Trần Thái Tông hỏi ý kiến, Trần Thủ Độ đã khảng khái trả lời: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Sau bao ngày chiến đấu ngoan cường và dũng mãnh, dưới sự chỉ huy tài tình của Trần Thủ Độ, ngày 29/01/1258, ta tấn công quyết liệt quân giặc tại Đông Bộ Đầu (Bến sông Hồng, khoảng phía trên cầu Long Biên). Quân giặc đại bại, Tết Nguyên đán năm ấy (Mậu Ngọ), trong không khí tưng bừng của chiến thắng, nhà vua tổ chức ăn mừng và phong thưởng cho các tướng lĩnh.
Năm Bính Ngọ (1426): Với chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, nghĩa quân Lam Sơn đã làm cho quân xâm lược nhà Minh “máu chảy thành sông”, “thây chất đầy nội”, làm thất bại hoàn toàn cuộc phản công chiến lược của Vương Thông: Hơn 6 vạn tên giặc bị tiêu diệt, Thượng thư Trần Hiệp, nội quan Lý Lượng bỏ mạng, Vương Thông bị trọng thương. Chiến thắng Tốt Động, Chúc Động đã khiến cục diện cuộc kháng chiến chống quân Minh thay đổi. Nó được ghi vào lịch sử dân tộc như một mẫu mực điển hình nhất về nghệ thuật quân sự mà Nguyễn Trãi đã tổng kết trong “Bình Ngô Đại Cáo”: “Lấy ít địch nhiều, thường dùng mai phục”...
Năm Bính Ngọ (1786): Triều đình Lê Trịnh đã mục nát cực độ, tình cảnh xã hội thật rối ren, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc. Được sự cổ vũ của nhân dân, bằng sức mạnh vĩ đại của đoàn quân và sự chỉ huy xuất sắc của Nguyễn Huệ, lực lượng quân sự của họ Trịnh đã bị đập tan. Thăng Long đã hoàn toàn giải phóng vào ngày 21-7-1786.
Năm Nhâm Ngọ (1882): Henrri Riviere (Hăng-ri-vi-e-rơ) đem pháo thuyền ra đánh Hà Nội (vào ngày 25-4-1882). Hoàng Diệu, thống đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình), đích thân lên mặt thành cửa Bắc đốc thúc trấn giữ. Do thế giặc quá mạnh, kho thuốc súng bị cháy, thành bị vỡ, ông đã viết biểu để lại rồi đến Võ miếu thắt cổ tuẫn nghĩa. Cuộc tử thủ giữ thành và sự tuẫn tiết của ông là một bài ca bi tráng bất hủ về tinh thần chống giặc của dân tộc.
Năm Canh Ngọ (1930): Năm đánh dấu một bước ngoặt to lớn của lịch sử nước nhà. Vào ngày 3-2-1930 (tức mồng 5 Tết Nguyên đán Canh Ngọ, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (thay mặt Quốc tế Cộng sản), Đảng Cộng Sản Việt Nam chính thức được thành lập tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc). Từ đây, nước ta có một chính đảng để lãnh đạo làm nên mọi thắng lợi trong công cuộc chống ngoại xâm, lật đổ chế độ phong kiến, xây dựng nhà nước kiểu mới, đem lại cơm no, áo ấm, hạnh phúc cho nhân dân ta.
Năm Giáp Ngọ (1954): Từ ngày 13-3 đến ngày 7-5-1954, với 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường và dũng mãnh, chúng ta đã làm nên một Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng Điện Biên Phủ chẳng những thể hiện quyết tâm to lớn của Đảng, Bác Hồ, của toàn thể nhân dân ta mà còn thể hiện nghệ thuật quân sự tuyệt vời của ta mà người trực tiếp chỉ huy lúc đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, Hiệp định dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.
Năm Nhâm Ngọ (2002): Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khoá IX được triệu tập tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 18-2 đến 2-3-2002. Hội nghị đã bàn và ra Nghị quyết Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Nghị quyết Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết Về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010; Nghị quyết Về đổi mới và nâng cao hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn; Nghị quyết Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới.
Đây là những nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội IX để đưa vào thực tiễn cuộc sống.
Ngoài ra, còn nhiều năm Ngọ khác nữa là những năm Ngọ đã ghi khắc thành tựu, dấu ấn lịch sử không thể nào quên của đất nước như: Năm Nhâm Ngọ (1282), nhà Trần mở Hội nghị Bình Than để bàn về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai; năm Nhâm Ngọ (1942), Bác Hồ đi công tác bên Trung Quốc bị bọn phản động Tưởng Giới Thạch bắt giam và đầy ải suốt “mười bốn trăng tê tái gông cùm” (Tố Hữu). Trong thời gian này, Người đã sáng tác tập “Nhật ký trong tù”, để lại cho nền văn học ta một áng văn chương bất hủ; năm Bính Ngọ (1966), quân dân cả hai miền Nam, Bắc nước ta đã lập nhiều chiến công lớn, miền Nam đánh tan chiến tranh cục bộ của Đế quốc Mỹ và miền Bắc bắn rơi nhiều máy bay của không lực Hoa Kỳ; năm Mậu Ngọ (1978), chiến tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam thắng lợi; năm Canh Ngọ (1990), cuộc đổi mới đất nước liên tiếp giành nhiều thắng lợi...
Tự hào biết bao về những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam ta mà trong đó có những năm Ngọ đã đánh dấu những mốc son chói sáng.
Nguyễn Kim Rẫn