(BVPL) - Cuối năm 1991, khi Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết vừa tan rã, tình hình kinh tế, xã hội ở nước Nga gặp nhiều khó khăn. Những biến chuyển mới của thời cuộc đã tác động không ít đến đời sống văn hóa của người Việt tại Liên bang Nga.
|
Vào thời gian này, báo chí và các văn hóa phẩm từ trong nước gửi sang Moskva rất hạn chế. Người Việt gần như thiếu, thậm chí “đói” những thông tin cần thiết từ quê nhà.
Trước tình hình ấy, một số trí thức Việt Nam đang nghiên cứu và học tập tại Moskva đã nảy ra ý định xuất bản một tờ báo bằng tiếng Việt nhằm đăng tải kịp thời các sự kiện trong nước và thế giới phục vụ cho đời sống văn hóa của người Việt ở Liên bang Nga, và rộng ra là ở Âu châu. Ý định này được nảy sinh nhân những lần gặp gỡ, giao lưu giữa các nhà văn đang học tại Trường viết văn Gorki với một số cán bộ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đang làm nghiên cứu sinh tại Moskva và một số anh em văn nghệ sĩ thuộc ngành Hội họa và âm nhạc. Nhưng thời ấy, chưa có cơ chế cho xuất bản báo ở nước ngoài, cho nên, dù núp dưới bóng Đại sứ quán thì ý đồ đó vẫn không thực hiện được. Loay hoay mãi, chúng tôi cũng thuyết phục được Đại sứ quán Việt Nam tại Moskva cho ấn hành một tờ tạp chí nội bộ. Sau nhiều lần bàn bạc, chúng tôi lấy tên tạp chí là “Người bạn đường”, một cái tên nghe dân dã và gần gũi, để gây sự chú ý đến cộng đồng người Việt xa tổ quốc.
Sau một cuộc họp của Ban sáng lập, tạp chí đã bầu ra một ê kíp làm việc gồm: Nguyễn Đình Chiến (Tổng biên tập). Ban Văn xuôi có Hữu Đạt, Trần Nho Thìn, Trịnh Bá Đĩnh (Hữu Đạt được cử làmTrường ban). Ban thơ có Trần Đăng Khoa, Châu Hồng Thủy, Xuân Hương (Trần Đăng Khoa được cử làm Trưởng ban), Ban Văn hóa xã hội gồm nghệ sĩ piano Quốc Chiêm, họa sĩ Lê Thanh Minh (Quốc Chiêm được cử làm Trưởng ban)… Tuy cử chức danh này nọ, nhưng không ai có chế độ tiền lương, tất cả đều làm việc vì sự nhiệt huyết đối với cộng đồng.
Mặc dù mới thành lập, song với quan hệ quen biết của các cá nhân trực tiếp phụ trách các mảng chuyên môn và của các thành viên Ban sáng lập tạp chí nên ngay từ số đầu tiên bài vở cũng khá dày dặn. Bản in đầu tiên trình làng vào mùa đông năm 1992 có bìa màu xanh lấm tấm sao, trông giản dị nhưng cũng bắt mắt, tập hợp được một số truyện ngắn, một số bài thơ của anh em nghệ sĩ trong nước và đang công tác tại châu Âu. Khi phát hành xuống các “ốp” người Việt, nó được đón nhận khá nhiệt tình. Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng bản in đã tiêu thụ hết. Đó là một phần thưởng có sức động viên lớn với những người trực tiếp phụ trách công việc biên tập như chúng tôi và cả anh em trong Ban sáng lập nữa.
Nhờ có thành quả ban đầu, tạp chí được một số doanh nghiệp (thời đó hay gọi vui là đại soái) nâng đỡ. Ốp Búa liềm mới do soái Diện chỉ huy và soái Chuyên trực tiếp điều hành đã dành cho Ban biên tập một phòng làm việc. Nói là phòng làm việc của Tạp chí, nhưng căn phòng này chủ yếu dành làm nơi ở cho vợ chồng nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, người nhiệt huyết, hăng hái nhất và cũng là người có công nhất trong cuộc vận động để thành lập tờ báo này. Ngoài việc được ưu ái cho một căn phòng, Tạp chí còn nhận được một khoản tiền ủng hộ. Tổng biên tập Nguyễn Đình Chiến đề xuất dùng tiến đó mua một bộ máy vi tính (thời đó khá đắt) để phục vụ văn phòng, số còn lại dành làm quỹ in ấn.
Tuy nhiên, mọi sự suôn sẻ ban đầu không tiếp tục được phát huy mà trở nên phức tạp khi có những tình huống không lường trước được. Việc xảy ra ngay tại tầng hầm của nơi đặt văn phòng của tạp chí. Chị Kim, vợ nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, vốn là bác sĩ. Khi sang thăm chồng, do một số lý do cá nhân chị quyết định ở lại Moskva Để có tiền sinh sống, chị mở một phòng khám riêng để kiếm thêm thu nhập. Không biết ở trong nước chị thuộc chuyên khoa nào, nhưng từ khi mở phòng khám chị trở thành bác sĩ nạo phá thai, phục vụ cho các cuộc tình lỡ dở của chị em công nhân. Chẳng hiểu do tay nghề hay do thiếu phương tiện mà nhiều pha nạo phá thai bị rơi vào tình trạng nguy kịch, bệnh nhân phải đi cấp cứu ở nơi khác. “Tiếng tăm” của một vài vụ đó bỗng trở thành một vấn đề phức tạp trong dư luận cộng đồng. Có nhiều công nhân phản ứng và nhầm lẫn coi những sai phạm trong hoạt động y tế của vợ nhà thơ Nguyễn Đình Chiến chính là sai phạm của tạp chí “Người bạn đường”. Thậm chí có công nhân còn coi tạp chí “Người bạn đường” là cái vỏ che giấu cho hoạt động phi pháp. Đại sứ quán Việt Nam tại Moskva yêu cầu tạp chí phải họp kiểm điểm và làm rõ vấn đề này.
Một số anh em trong Ban sáng lập tạp chí thực sự bị sốc khi tạp chí vừa ra đời đang nhận được sự chào đón của cộng đồng người Việt bỗng phải chịu nhiều tai tiếng. Cuộc họp được tổ chức tại dinh sứ quán nhưng Nguyễn Đình Chiến không dám đi họp. Mọi người phát biểu khá nhiều và có những chỉ trích gay gắt. Ngoài việc vợ nhà thơ biến trụ sở làm việc của tạp chí thành nơi nạo phá thai, vấn đề chi tiêu tài chính của tạp chí cũng được đưa ra. Đặc biệt, một số người còn chất vấn về dàn máy vi tính của tạp chí, theo tin đồn, nó bị Tổng biên tập bán đi để tiêu xài. Trong tình thế căng thẳng, Nguyễn Đình Chiến giải trình, khẳng định là dàn máy này bị bán đi để chi vào tiền tiếp khách. Trong cuộc họp ai cũng ngỡ ngàng, mỉm cười nói với nhau: “Khách sao ăn khỏe thế, có thời gian ngắn mà đã xơi hết cả dàn máy tính”. Nhưng rồi mọi việc cũng được cho qua. Thứ nhất, dàn máy tính này là của đi xin, nên không ai thấy có cảm giác xót xa. Thứ hai, mọi người đều hiểu ngầm rằng, gia đình Nguyễn Đình Chiến đang gặp khó khăn. Anh ta bí quá phải làm liều… Tuy nội bộ thông cảm là vậy, nhưng dư luận bên ngoài vẫn có nhiều điều tiếng không hay. Vì thế, tạp chí số 2 chưa kịp hoàn thành thì nổi lên nhiều vấn đề phải giải quyết. Nhận thấy tình hình rắc rối nên tôi, Trần Nho Thìn và Trịnh Bá Đĩnh xin rút khỏi Ban biên tập.
Rất may là vấn đề tổ chức của Tạp chí sau đó đã được củng cố và Nguyễn Đình Chiến đã nhận ra lỗi lầm của mình và quyết tâm duy trì tạp chí nên nhờ sự hỗ trợ của Châu Hồng Thủy, Quốc Chiêm và một số người khác nó vẫn gượng đứng dậy và vượt qua những khó khăn để tồn tại. Đến nay, tờ tạp chí này vẫn tồn tại và phát triển và được chuyển giao cho thế hệ sau. Nó là tờ báo tiếng Việt duy nhất ở Moskva trong những năm gian khó và là người đồng hành với Hội Văn học-nghệ thuật ở Moskva đem đến cho cộng đồng những sinh hoạt văn hóa hữu ích.
Nguyễn Hữu Đạt