(BVPL) - Trong tình hình hiện nay, khi cả dân tộc Việt Nam, triệu triệu con người, ngàn ngàn ánh mắt bằng tất cả trái tim và tình yêu nước nồng nàn đều hướng tới biển Đông. Nơi mà người bạn láng giềng Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981, bất chấp đạo lý, bất chấp luật lệ, bỏ qua tinh thần hữu nghị liên tục gây sức ép, quấy rối, cản trở lực lượng hải quân và ngư dân ta. Rất nhiều bài thơ, bài báo, những cuộc thi, lời kêu gọi, phát động tình yêu biển đảo. Mỗi người một quan điểm, một cảm xúc, tất cả đều hướng về biển Đông. Thế nhưng, 2 năm trước, Nguyễn Thế Kỷ đã “Thao thức với Trường Sa”. Nỗi thao thức, niềm tin yêu gửi vào những vần thơ mà càng đọc càng thấu hiểu, càng đọc càng day dứt, thêm yêu mảnh đất và con người nơi đây. Trước tình thế hiện nay, đọc “Thao thức Trường Sa” lại càng cồn cào, càng thêm thấu cảm.
“Trường Sa ơi, ngày mai tàu cập bến
Ta lại về phố thị thân thương
Vòng tay ấm, bữa cơm sum họp
Và riêng chung bao chuyện vui buồn”
Mở đầu bài thơ là một niềm đau đáu, yêu thương vô vàn với Trường Sa. Vì thế mà:
“Biển dẫu yên mà lòng ta lại động
Lắng tin xa những cơn bão chập chờn
Bỗng hiển hiện trang sử thời mở cõi
Máu cha ông còn bầm đỏ hoàng hôn”
Trường Sa trường tồn tới ngày hôm nay biết bao người đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chiều hoàng hôn “bầm đỏ” khiến ta không khỏi nao lòng. Đã có biết bao người thể hiện cảm xúc qua thơ, qua những lời văn nhưng sao “Thao thức Trường Sa” lại khiến ta thao thức lạ kì. Không chỉ có tâm hồn nhà thơ cồn cào khi đứng giữa bốn bề yên ả mà cả người đọc cũng cảm thấy động trước cái tĩnh của biển khơi. Chỉ là bốn câu thơ mang tính gợi nhắc mà khiến lòng ta xúc động lạ kì.
“Ôm lính đảo yêu tin bao gương mặt
Tuổi đôi mươi lồng lộng biển trời
Mắt trong vắt chưa một lần hò hẹn
Đêm mơ còn nũng nịu gọi mẹ ơi”
Những chiến sĩ hải quân hầu hết là những người trẻ tuổi mới đôi mươi. Ở cái tuổi ấy thậm chí chưa một lần được hò hẹn, chưa một lần biết đến tình yêu. Khi hai mươi thậm chí vẫn quấn quýt bên cha mẹ. Họ trẻ lắm, trẻ tuổi, tâm hồn trẻ trung, phơi phới. Vậy mà vì tình yêu tổ quốc, yêu biển, vì hai chữ “trách nhiệm” họ đánh đổi cả tuổi thanh xuân giữa biển đảo lộng gió. Họ gác lại tất cả, tình yêu, gia đình để sống và làm việc, bảo vệ và xây dựng Trường Sa. Những câu thơ tưởng chừng đơn giản thôi mà nghe xa xót xa. Tuổi hai mươi của mình, tôi đang miệt mài học tập, mải miết vui chơi với bạn bè, đắm say trong những cuộc hẹn hò và hạnh phúc bên cạnh bố mẹ, người thân. Còn họ, tuổi hai mươi giữa trùng khơi xa cách, không biết đến tình yêu ngọt ngào, kiên tâm vững lòng bám trụ biển đảo Tổ quốc không có cha mẹ người thân ở bên. Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, cách xa đất liền với điều kiện vật chất vô cùng khó khăn. Người lính phải chịu cái nóng như thiêu như đốt của mùa hè biển đảo khắc nghiệt, nguồn nước chính trên đảo lại là những giọt nước mưa, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng khí hậu khắc nghiệt của biển cả, vất vả của thao trường, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân có lẽ cũng là điều nhỏ nhoi đối với những người lính Trường Sa. Bởi các anh có mặt ở đây vì một tình yêu bao la dành cho Tổ Quốc và tấm lòng nguyện xả thân vì đất nước, vì tình yêu dành chọn cho biển đảo quê hương… Chính vì thế Nguyễn Thế Kỷ viết “Ôm lính trẻ tin yêu bao gương mặt”. Tất cả niềm tự hào, tình yêu biển đảo, bao tin yêu gửi hết vào các anh. Tổ quốc, nhân dân cả nước sẽ đời đời ghi nhớ công ơn đó. Nỗi biết ơn dâng đầy làm mạch thơ càng thấm đẫm cảm xúc diết da:
“Muốn ôm ghì bãi san hô – chiến lũy
Những pháo đài vươn sóng Bạch Đằng giang
Khi Đá Lát, Sinh Tồn, Song Tử
Lúc dịu dàng Tiên Nữ, An Bang”
Tình yêu dâng đầy, nhà thơ như muốn ôm trọn lấy nơi đây. Chỉ có 4 câu thơ mà tái hiện lại toàn bộ địa danh Trường Sa. Đó là những bãi san hô, những chiến lũy, những pháo đài lừng lững. Đó là hòn đảo Đá Lát, Sinh Tồn, Song Tử nhỏ bé mà xinh đẹp; một An Bang lung linh, huyền ảo với những ngọn đèn cao áp bằng năng lượng gió, năng lượng mặt trời,… giữa sự hùng vĩ, tươi xanh đang vươn mình trên biển lớn của Trường Sa. Tất cả như một sự kì diệu mang cho Trường Sa nhiều diện mạo khác nhau, không kém phần hấp dẫn. Nhà thơ có một chút lưu luyến một chút yêu thương khi phải rời xa nơi này. Tưởng chừng nếu có thể, Nguyễn Thế Kỷ muốn ôm trọn Trường Sa mang theo mình… Thế nhưng:
“Trước Trường Sa thấy mình bé nhỏ
Tựa cột mốc chủ quyền thêm vững lòng hơn
Ngắm rặng mồng tơi, nghe gà cục tác
Tổ quốc giữa trùng khơi sinh nở trường tồn”
Trường Sa khiến nhà thơ thấy mình bé nhỏ lắm, bé nhỏ giữa biển trời, bé nhỏ trước sự kiên trung quả cảm của những người lính. Tưởng như từ những chứng kiến của mình về cuộc sống người lính trẻ, nhà thơ thêm vững lòng tin, tin vào sự vững chắc của cột mốc chủ quyền. Cùng Trường Sa kiêu hãnh, kiên cường đang ngày đêm được canh giữ bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam là một Trường Sa hết sức dung dị, thấm đượm chất thơ. Một cuộc sống với rau xanh, trái ngọt, sự sinh sôi nảy nở giữa nơi biển đảo mênh mông sóng nước này. Tiếng gà cục tác, những rặng mồng tơi… đó là những hình ảnh bình dị của sự sống. Sự sống vẫn sinh nở tại nơi đây, nơi mà kẻ thù xâm lược luôn nhòm ngó, nhăm nhe xâm phạm, nơi cách xa đất liền nhưng sự sống vẫn tồn tại và sự sống ấy là sự sống trường tồn cùng năm tháng. Câu thơ như một tiếng lòng đồng thời khẳng định chắc nịch chủ quyền muôn đời của dân tộc trên quần đảo Trường Sa này.
“Đêm không ngủ Trường Sa, đêm trở gió
Gió hồng hoang ào ạt phía Hoàng Sa
Bao xương máu đắp hình hải Tổ quốc
Ấp cờ đỏ lên tim mắt bỗng lệ nhòa”
Lần đầu tiên trong cả bài thơ, nhân vật trữ tình xuất hiện với những cảm xúc cá nhân “mắt bỗng lệ nhòa”. Cầm lá cờ mà theo tác giả là lá cờ màu nắng gió quân và dân huyện đảo Trường Sa tặng đoàn công tác từ đất liền ra thăm quần đảo nhà thơ không khỏi xúc động. Họ hi sinh tuổi xuân phơi phới, hi sinh hạnh phúc cá nhân vì Tổ quốc, vì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ toàn dân tộc. Tận mắt chứng kiến những khó khăn, nghị lực của người lính biển đảo, không ai có thể kìm nén những giọt nước mắt xúc động dù đó là Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban tuyên giáo trung ương, hay Nguyễn Thế Kỷ, một nhà thơ giàu xúc cảm.
Quỳnh Ly