Thời gian qua, tình trạng mạo danh trên mạng xã hội diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói là, không chỉ người nổi tiếng mà ngay cả những cá nhân bình thường cũng là nạn nhân của hiện tượng này, khiến uy tín, danh dự… của họ bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.
 


Có thể bị xử lý hình sự

Về trách nhiệm pháp lý của cá nhân có hành vi vi phạm, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty Luật S&B cho rằng, việc mạo danh trên mạng xã hội là hành vi sai trái về đạo đức và luật pháp. Nó gây ra sự bất an và khó chịu cho những người bị mạo danh, ảnh hưởng tới đời sống và công việc của họ. Còn về pháp luật, Bộ luật Dân sự đã quy định, danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Luật Công nghệ thông tin và Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng nghiêm cấm việc giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cũng theo Luật này, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.

Về biện pháp hành chính, hành vi “Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác” sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Ngoài ra, căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, người thực hiện hành vi có thể bị khởi tố về tội làm nhục người khác, tội vu khống, tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet… Bên cạnh đó, người bị mạo danh có thể khởi kiện vụ việc dân sự để đòi bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất, xin lỗi hoặc cải chính công khai do hành vi này gây ra.

Cũng theo luật sư Thanh Hà, khi phát hiện bị giả mạo, để tránh thiệt hại cho người khác và chính bản thân mình, nạn nhân cần sử dụng các công cụ của mạng Facebook, gửi thông tin tới nhà cung cấp để họ khóa các tài khoản giả mạo, đồng thời cần thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi có hậu quả xảy ra, người bị giả mạo nên nhanh chóng thông báo với cơ quan chức năng để đề nghị xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, những người dùng mạng xã hội cũng cần nâng cao nhận thức, không nên tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng, không rõ nguồn…

 

Theo An ninh thủ đô

.