Gặp nhiếp ảnh gia chụp 2.000 bức ảnh về chợ

Gặp nhiếp ảnh, kỷ lục gia Hồ Đại Phước (SN 1945, ngụ quận Tân Bình, TP. HCM) vào một buổi chiều cuối năm 2017, chúng tôi vẫn thấy ông đang mân mê những bức ảnh vừa chụp được trong ngày. Ông bảo: “Đời người ngắn ngủi, con người hữu hạn mà thời gian lại vô biên. Nếu chúng ta không thể níu giữ được thời gian thì sao không lưu chúng lại bằng những bức ảnh. Mỗi con người đi qua trong cuộc đời của chúng ta đều là cái duyên, ở được với nhau thì đó là nợ. Vậy nên, tôi muốn chụp ảnh để lưu giữ lại kỷ niệm của những người mình gặp và những nơi mình đã đi qua”.

leftcenterrightdel
Kỷ lục gia Hồ Đại Phước bên những tấm ảnh đại diện cho các vùng miền. 

Nói rồi, ông mở ngăn tủ, lật từng cuốn album ảnh mà ông lưu giữ từ nhiều năm. Đến nay, ông đã sưu tầm được 128 cuốn album ảnh, mỗi cuốn chứa 300 ảnh chụp về cuộc sống thường ngày với những người bạn, người thân mà ông gặp trong cuộc đời. Ông đam mê chụp ảnh từ nhỏ nhưng đến năm 1993, ông mới có điều kiện thực hiện ước mơ của mình. Đến nay, ông đã đặt chân đến 63 tỉnh, thành với trên 2.000 bức ảnh chụp về chợ Việt Nam.

Khi đi đến các ngôi chợ, ông thấy rất rõ những phong tục và nét đẹp rất riêng của mỗi vùng quê. Con người ở chợ là sự pha trộn mọi thành phần, thể hiện được sự chân thật đúng như trong đời thường, văn hóa của từng vùng miền. Đi đến đâu, ông cũng chụp hàng ngàn bức ảnh về cuộc sống, con người nơi mình gặp gỡ, đi qua. “Sau khi chụp hình với họ, tôi thường ghi lại địa chỉ và số điện thoại cụ thể để sau này khi rửa ảnh xong sẽ gửi tặng họ. Sau này, khi có dịp gặp lại nhau sẽ có thể hàn huyên ôn lại chuyện cũ”, kỷ lục gia Hồ Đại Phước chia sẻ.

Nói rồi, ông lật một bức hình chụp 4 chàng trai trẻ đang nô đùa bên bờ biển. Ông bảo: “Bức hình này, tôi chụp cách đây hơn 30 năm trong một lần đến TP.Nha Trang. Lúc đó, tôi và những người bạn trong bức hình này đều chỉ ngẫu nhiên gặp nhau. Chúng tôi có chung niềm vui với biển nên đã có ngẫu hứng chụp chung với nhau bức hình làm kỷ niệm. Sau đó, chúng tôi chia tay nhau mà không hề liên lạc lại. Đến khoảng 30 năm sau, tôi vô tình lật lại album ảnh thấy bức ảnh chụp cùng với các bạn ấy nên tôi quyết định quay trở lại Nha Trang tìm họ”.

“Lúc đó, tôi không hề có địa chỉ, tên tuổi gì của người trong bức ảnh. Hành trang của tôi chỉ có duy nhất bức ảnh chúng tôi chụp chung. Vì thế, tôi bèn mang bức ảnh đó đi từng con phố để hỏi. Rất may, khi đưa bức ảnh cho mọi người xem, người dân đã nhận ra và chỉ nhà cho tôi đến. Khi gặp những tấm ảnh đó, chúng tôi đã vô cùng vui mừng vì bao nhiêu năm, tưởng chừng như đã quên nhau nhưng nhờ có bức ảnh mà chúng tôi đã gặp lại. Chính những niềm vui nhỏ bé đó khiến tôi dù đã nhiều tuổi nhưng vẫn muốn xách ba lô lên cùng chiếc máy ảnh để ngao du sơn thủy”.

Người ta mê nhậu, tôi mê chụp hình

Ở mỗi địa phương, chợ phản ánh chân thực về cuộc sống cũng như nếp sinh hoạt của con người. Vì thế, đi đến đâu, ông đều tranh thủ hỏi thăm người dân về lịch sử phát triển của từng ngôi chợ, về văn hóa và phong tục làng quê. Những năm đầu tiên, khi máy chụp hình kỹ thuật số chưa phổ biến, ông chụp bằng máy phim với những tấm hình đơn sơ, bố cục còn lộn xộn. Bây giờ hiện đại, ông dùng máy ảnh kỹ thuật số cùng với việc nâng cao tay nghề nên những bức ảnh dần trở nên sắc nét và sống động hơn. Những tấm hình về chợ và hồn quê của từng vùng miền trong ảnh hiện lên rõ rệt, chân thực. Từ những ngôi chợ có tên đến những ngôi chợ không tên đều thể hiện một cách sống động qua những bức ảnh mà ông chụp.

Thay vì ngồi chơi, khề khà rượu chè cùng bạn bè, ông lại lái xe đi chụp ảnh chợ. Ông nói: “Mỗi người có những thú vui riêng. Nếu bạn bè tôi thích ngồi nhậu, rượu chè thì tôi lại thích chụp hình, khám phá. Nó trở thành một thú chơi tao nhã khiến tôi vô cùng thích thú. Rất may, vợ con tôi đều ủng hộ. Nhiều lúc, con tôi còn nói đùa rằng, mê cái gì nguy hại thì phản đối chứ mê chụp ảnh là thú chơi lành mạnh nên gia đình hết sức ủng hộ. Để cổ vũ việc chụp ảnh và lưu giữ lại kỷ niệm thông qua những bức ảnh, hằng năm, mỗi dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, gia đình tôi đều chụp ảnh...”.

Sau khi chụp ảnh xong, ông lại lựa chọn cẩn thận những tấm ảnh ưng ý nhất. Sau đó, ông ra tiệm rửa thành những album theo từng chủ đề. Hàng ngàn tấm ảnh khác nhau, nhưng ông thuộc làu và nhớ từng chi tiết cụ thể nhất. Tấm nào chụp ở đâu, chụp trong hoàn cảnh nào, đều được ông ghi chú thích rõ ràng để mỗi khi lật lại ảnh, đọc ghi chú là nhớ đến ngay. Để có được những tấm hình ấy, ông phải kiên trì và bền bỉ một thời gian dài. “Nhiều khi đi cùng bạn bè, gia đình còn giúp đỡ, vui vẻ cùng nhau. Còn những khi đi một mình, trèo đèo lội suối vào những ngôi chợ sâu xa vùng dân tộc rất khó khăn. Tuy nhiên, khi nghĩ đến việc mình sẽ được đến khám phá những ngôi chợ mới, vùng đất mới là tôi lại quên ngay những khó khăn để tiếp tục lên đường”, kỷ lục gia kể lại.

leftcenterrightdel
Kỷ lục gia Hồ Đại Phước bên 128 cuốn album chứa hơn 40.000 bức ảnh. 

Tính đến thời điểm hiện tại kho ảnh của ông như một “bản đồ” đất nước với đầy đủ những địa danh nhỏ bé, sâu xa, hẻo lánh nhất. Ngoài ra, với 128 bộ ảnh còn được xem như là những cuốn lịch sử văn hóa bằng ảnh. Nếu những ai cần tư liệu về lịch sử chợ Việt Nam qua các thời kỳ đều có thể tìm đến ông để tham khảo. Vì số lượng ảnh quá nhiều, thời gian tới, ông dự định sẽ dùng một phần đất tổ tiên để xây một khu nhà trưng bày cho mọi người đến tham quan miễn phí.

Hoa Việt