Rất nhiều người đi lễ chùa không biết nơi ấy thờ ai, không hiểu về đạo Phật, cũng không biết tôn trọng đồng tiền. Họ đi cầu khấn theo phong trào, xu hướng đám đông, kiểu “thành tâm là được” và quên mất việc phải ứng xử văn hóa với thần linh, gìn giữ tôn nghiêm nơi linh thiêng.

Đến hẹn lại lên, bước vào mùa lễ hội, người dân nô nức đi lễ chùa, cầu khấn, cung tiến. Đó là những việc làm có ý nghĩa, giàu truyền thống. Thế nhưng, cách hành xử phản cảm ở những nơi linh thiêng, trong hơn chục năm qua, các cơ quan chức năng, phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục phản ánh. Nhưng tình trạng đó không hề giảm. Và người ta vẫn thấy cảnh “hành xác”, chen lấn, giẫm đạp, nhếch nhác... khiến cho nơi linh thiêng nhuốm đầy bụi trần. Tình trạng nhộn nhạo đến nỗi có chuyên gia văn hóa thốt lên: Đi cầu phúc, phúc lộc chưa thấy đâu, chỉ thấy sao mà khổ thế! Chưa hết, cảnh đặt tiền lẻ vào... tận tay thần thánh, thậm chí người ta còn nhét tiền lẻ vào kẽ tay, chân, rải đầy hậu cung, rồi tiền bị giẫm lên, rách nát. Những hình ảnh này rất dễ tìm thấy ở đền Bà Chúa  Kho (Bắc Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Hương (Hà Nội), di tích Đền Hùng (Phú Thọ)... Đây là điều mà người đi lễ cần phải học. Đó là không chỉ học cách ứng xử văn hóa nơi linh thiêng mà còn phải học cách tiết kiệm và tôn trọng đồng tiền. Điều này người Nhật và gần hơn là người Lào, Campuchia làm rất tốt. Họ cũng có thói quen cầu khấn và chẳng bao giờ “xử tệ” với những đồng tiền mệnh giá nhỏ như người dân ta.
Người đi lễ chùa... cần phải học
 

Hình ảnh không đẹp khi đi lễ chùa.
Hình ảnh không đẹp khi đi lễ chùa.


Tới đền, chùa, tôi cũng không thể hiểu nổi tại sao người ta lại cầm 100 nghìn đồng, đi đổi lấy 80, thậm chí chỉ được 60 nghìn đồng tiền lẻ để cầm vào phân phát cho các ban. Tại sao không đưa vào hòm công đức luôn 100 nghìn? Chẳng nhẽ chia nhỏ ra thì nhà chùa hay đền chẳng gom lại, cho vào quỹ chung sao? Đổi ra tiền lẻ vừa lãng phí, vừa làm khổ nhà đền, chùa. Rồi sau đó, ngân hàng lại phải thu gom, bảo quản, thêm một sự tốn kém nữa. Nếu mỗi người dân đều biết rằng, sau một mùa lễ hội, chùa Hương thu gom được hơn 20 tỷ đồng tiền lẻ, nếu nhân lên với khoảng 40 nghìn di tích lớn nhỏ trong cả nước thì số tiền lẻ khủng khiếp thế nào. Và để in tờ mệnh giá 500 đồng, chi phí phải mất gấp đôi hoặc gấp ba số tiền đó, vậy thì mỗi năm, ngân sách phải chi ra, bù lỗ cho khoản in tiền lẻ nhiều đến mức không thể tưởng tượng nổi.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước hạn chế in tiền mệnh giá nhỏ. Nhưng thói quen đổi tiền lẻ vẫn nhiều. Công văn cấm trao đổi tiền lẻ trục lợi đã có hiệu lực, nhưng những cảnh đổi chác vẫn diễn ra sôi nổi ở các cửa đền, chùa, nhiều con phố ở Hà Nội như Đinh Lễ, Quang Trung (quận Hà Đông). Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam cho biết: “Dùng tiền lẻ đi lễ đã trở thành thói quen, việc hạn chế in tiền lẻ không phải là cách tốt để giảm thiểu cảnh nhếch nhác trong mùa lễ hội. Nhưng có thể làm bằng cách tuyên truyền lâu dài, giúp người dân hiểu ra việc đi lễ là yếu tố văn hóa, cần ở lòng thành, sự thanh tịnh chứ không phải ở tiền hay sính lễ nhiều”.

Giáo sư Thịnh cũng chỉ ra, tín ngưỡng là một tri thức. Và một bộ phận lớn người dân không hiểu những việc mình làm khi đi lễ, không hiểu hết văn hóa và tín ngưỡng nên dẫn đến những hành vi lệch chuẩn. Xã hội đang tồn tại rất nhiều thang giá trị khác nhau, đồng thời rơi vào trạng thái vụ lợi. Người đi lễ chùa cũng vậy, lấy “lòng người đo lòng thánh” và cho rằng tiền bạc có thể giải quyết tất cả. Hòa thượng Thích Thanh Huân - Trụ trì chùa Pháp Vân (Hà Nội) cho biết: “Đi lễ chùa cần cả tấm lòng chay tịnh chứ không phải mang tạp uế từ đời vào để xin những điều vô lý như xin không làm cũng có ăn, xin làm việc sai không bị phát hiện. Đó là một thứ tạp tục mà con người đã nghĩ ra, thay vì bản thân họ phải tự phấn đấu, tự giúp mình”.

Có lẽ sự thiếu hụt về tri thức và văn hóa lễ hội cần được chính người dân phải tự lấp đầy dần và các cơ quan liên ngành với vai trò quản lý và tuyên truyền cần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Và chắc chắn, chỉ khi nào người đi lễ học được cách ứng xử văn hóa, với những việc làm văn hóa, đồng thời hiểu được đâu là đúng, đâu là sai thì mới bớt đi những hình ảnh phản cảm ở nơi linh thiêng.    

 

Theo SK&ĐS