(BVPL) - Ngựa là con vật được sử dụng nhiều trong các cuộc chiến tranh thời cổ. Hình ảnh ngựa gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của nhiều dân tộc, gắn liền với các võ tướng trên nhiều trận chiến. Và không giống như những hình ảnh ngựa có thật ở ngoài đời, ngựa trong đời sống nghệ thuật được các nghệ sĩ ước lệ hoá theo một ngôn ngữ riêng biệt, tạo nên nét đẹp tự nhiên, gần gũi với đời sống tinh thần của con người. Có thể là như vậy, nên khi đưa lên sân khấu tuồng Huế, ngựa được các nghệ sĩ thể hiện dựa trên những động tác hình thể giàu tính biểu cảm của ngôn ngữ múa, đồng thời rất phù hợp với không gian và thời gian mà nhân vật muốn biểu hiện.

 


Trên sân khấu tuồng Huế, mỗi vở tuồng là một nội dung riêng biệt mà tác giả muốn chuyển tải đến người xem. Tuy nhiên, trong các vở tuồng mang tính “quốc gia đại sự”, hình ảnh nhân vật đóng vai tướng võ, kép võ trên tay cầm thương, kiếm và đi kèm là chiếc roi ngựa vô tri, vô giác, nhưng qua nghệ thuật diễn xuất tài tình của người nghệ sĩ, khán giả hiểu rằng đó là một con ngựa chiến đã từng xông pha nơi chiến trận. Có thể nói, ngựa trên sân khấu tuồng Huế dù chỉ là những động tác mang tính biểu trưng, nhưng hình ảnh của nó thông qua cách trình diễn của nghệ sĩ đã cho chúng ta thấy được những giá trị nghệ thuật mang đầy đủ tính thẩm mỹ sân khấu mà tiền nhân đã để lại cho chúng ta.
 

Trọng Bình

.