Mỗi một phiên tòa kết thúc đều có những kết cục trái chiều, kẻ vui sướng cười nói ra mặt vì đã chiến thắng còn kẻ thua cuộc thì ai oán, buồn nản. Đã là luật sư thì không thể không rơi vào những trạng thái cảm xúc ấy.

 


 Theo như ông Nguyễn Huy Thiệp cho biết nhiều vụ án mình bảo vệ thân chủ, nghĩ rõ ràng rằng vụ án đó thành công chắc chắn rồi nhưng cuối cùng lại thua bởi có sự kết luận khác nhau của cơ quan tuyên án. Nhưng vụ việc nào nhận trách nhiệm bảo vệ, quan điểm xuyên suốt của ông là “chúng tôi chỉ cố gắng làm sao công lý được tôn trọng”.

 

Có những lúc ông cảm thấy rất khó nghĩ, trăn trở về việc những vụ án, vụ việc mà các cơ quan tố tụng đưa ra kết luận trái với ý nghĩ của mình, hay có sự khác nhau giữa cơ quan cấp trên và cơ quan cấp dưới. Qua đó, ông khẳng định, cần có sự nâng cao tinh thần trách nhiệm, các kiến thức về mặt tư pháp của các cơ quan điều tra, để các vụ án được giải quyết đúng luật nhất, luận đúng người đúng tội, tránh những oan khuất xảy ra với những người trong cuộc.

Nghề luật sư là một nghề mà không có quyền chọn thân chủ, khách hàng. Đó là công việc cần nhiều kỹ năng, sự hiểu biết không những về chuyên môn mà còn nhiều lĩnh vực khác bởi có những vụ án mà hành vi phạm tội của thân chủ đã rõ, không thể thoát khỏi tội tử hình nhưng vẫn phải bảo vệ. Cái quan trọng ở đây là người luật sư phải hiểu, nắm bắt rõ vụ án, vụ việc để giải thích sao cho tòa hiểu, thân chủ của mình hiểu về những tội ác mà mình gây ra, để người phạm tội thanh thản, chấp nhận trả giá mà tâm hồn hoàn toàn thoải mái, nhận thức được tội ác của mình.

 

Trong phiên tòa, bị cáo là người mà quyền nói, quyền diễn giải bị hạn chế, luật sư ở đây xuất hiện chính là người thay họ nói lên những nỗi niềm của mình, thay họ diễn giải mọi sự việc, người luật sư phải nắm bắt được những trăn trở của họ để nói thay cho họ những cái không thể nói.

Với vấn đề “chạy án” trong các vụ việc bào chữa, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bày tỏ quan điểm: “Theo tôi, đó là một trào lưu sai lầm, người luật sư muốn được tôn vinh phải loại trừ công việc này, cần phải làm có trách nhiệm với những kiến thức chuyên môn”. Theo ông, việc “chạy án” cho thân chủ không loại trừ luật sư giỏi hay không giỏi, nó nằm ở lương tâm, ý thức nghề nghiệp của người luật sư.

Trong cuộc đời, ông đã tham gia bào chữa rất nhiều vụ án khác nhau, cảm giác sau mỗi phiên tòa gần như chai lại, không còn mấy những cảm xúc. Có nhiều lần sau khi tòa xét xử xong, thân chủ không được giải oan ông vẫn cố gắng động viên, khích lệ khách hàng cố gắng hơn theo đuổi để đòi lại công lý. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe về một vụ án làm ông trăn trở nhất, công bằng không được đòi lại, thân chủ đành chịu án mà đáng nhẽ ra không đáng phải thế. Đó là vụ án mà hai phụ xe khách tranh giành khách ở bến xe.

 

Vụ việc xảy ra khi hai người phụ xe tranh giành khách với nhau, sau cuộc ẩu đả bằng tay chân, người phụ xe bên bị hại đã bỏ chạy, thân chủ của ông đuổi theo. Nhưng bỗng sau một cuộc rượt đuổi, người phụ xe kia tự nhiên dừng lại, sùi bọt mép, ngã xuống, ngay sau đó được người dân đưa đi bệnh viện. Nạn nhân được xác định là chết trên đường đi cấp cứu, nguyên nhân chính là do vụ ẩu đả. Giám định pháp y cũng cho rằng nạn nhân chết là do chấn thương sau vụ đánh nhau, cuối cùng cơ quan điều tra quyết định truy tố thân chủ của ông.

 

Theo như nghiên cứu ông thấy rằng, người bị hại có khả năng bị phình mạch não bẩm sinh, vụ việc đánh nhau chỉ có tác dụng đẩy nhanh việc vỡ mà thôi. Bác sĩ khi điều trị cho nạn nhân khi làm hồ sơ cũng đã nghĩ đến tình huống đó, cho rằng tác động ngoại lực của vụ đánh nhau chỉ là gián tiếp đẩy nạn nhân đột quỵ.

 

Thậm chí bác sĩ còn ví dụ, nhiều người chỉ cần đi táo mạnh cũng có thể làm vỡ mạch. Nhưng tất cả là do cơ quan pháp y đưa ra kết luận nên việc nghiên cứu của luật sư và nghi ngờ của bác sĩ cũng trở nên vô ích. Luật sư đã khuyên bị cáo nên kháng cáo, tiếp tục theo đuổi vụ án để có thể miễn giảm được tội danh nhưng do gia đình quá nghèo nên thân chủ của ông đành chấp nhận ngồi tù mười mấy năm cho hậu quả mà mình gây ra. Vụ án này mãi về sau vẫn khiến ông trăn trở khôn nguôi.

Ông có tham gia bào chữa cho rất nhiều vụ án lớn, có thể kể đến đó là vụ án Phạm Xuân Trường (bảo vệ cho bị cáo Tuấn Anh), vụ Khánh Trắng (bảo vệ cho một nhóm hiếp dâm), vụ án Lương Quốc Dũng (bảo vệ cho Lương Quốc Dũng)… Bằng kinh nghiệm bao nhiêu năm làm trong nghề ông khẳng định, luật sư sau khi tìm hiểu vụ án mình bào chữa phải định lượng, dự đoán được kết quả của vụ án.

TRĂN TRỞ VỀ NHÂN TÌNH, THẾ THÁI

Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng Văn phòng Luật sư An Phát Phạm là một người điềm đạm, khoan thai ngay từ cử chỉ đến lời nói. Tuy nhiên, khi tham gia tranh tụng, ông Phất lại vô cùng quyết liệt. Tôi đã được chứng kiến điều đó khi cùng ông lên dự phiên tòa xét xử vụ cố ý gây thương tích ở Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc. Vụ này, ông Phất làm miễn phí bởi một phần do máu nghề nghiệp, một phần do hoàn cảnh hết sức thương tâm của nạn nhân.

 

Những chứng cứ mà ông Phất đưa ra đã khiến HĐXX phải hoãn xử, sau đó Tòa trả hồ sơ yêu cầu giám định lại thương tật theo đề nghị của luật sư. Qua giám định lại, mức độ thương tật tăng lên mấy chục phần trăm nhưng đã hơn một năm vụ án vẫn dậm chân tại chỗ vì chưa thể làm rõ động cơ gây thương tích cũng như đối tượng gây ra thương tích. Trong khi đó, gia cảnh nạn nhân ngày càng trở nên bần hàn do chi phí chữa trị.

 

Nạn nhân, một người đàn ông khỏe mạnh, nặng gần 80kg giờ nằm một chỗ, đi lại phải có người dìu vì hậu quả chấn thương sọ não do xà beng đâm phải. “Hình ảnh người thanh niên này cứ đeo bám tôi mãi. Mai này dù có thắng thì số phận anh ta sẽ ra sao? Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu hai bên gia đình biết nhường nhịn lời ăn tiếng nói. Và quan trọng hơn, luật đời còn đó, đã sai rồi thì lương tâm sẽ ra sao trong suốt phần đời còn lại?” – luật sư Phất trăn trở.

Có hơn 10 năm tuổi nghề, từng tham gia tranh tụng hàng trăm vụ án và đã giành thắng lợi nhiều vụ nhưng khi nói đến cái nghề thầy cãi, luật sư Trần Thu Nam (Văn phòng luật sư Tín Việt và cộng sự) vẫn đầy ưu tư. “Rất nhiều vụ khiến cho mình phải suy nghĩ về nhân tình thế thái, đối nhân xử thế. Điển hình là các vụ án ly hôn, người thân kiện đòi nhau đất đai, tài sản.

 

Dù tòa đã xử phần thắng nhưng ở Việt Nam, làm sao có thể bắt đứa con rời khỏi mẹ hoặc bố? Cuộc đời, tương lai của đứa trẻ sẽ ra sao? Nhiều vụ, người thân với nhau nhưng vì tài sản phải ra tòa đã coi nhau như kẻ thù và đáng buồn là các vụ án kiểu này ngày một nhiều hơn. Có những vụ thân chủ được tuyên có lợi như vụ một bị cáo ở Lai Châu giảm từ tử hình xuống chung thân nhưng mình đâu có vui?

 

Bởi lẽ, bị cáo là người rất yêu thương vợ con, chỉ vì người vợ không thủy chung, gian díu với nhiều người mặc kệ sự can gián, van xin của chồng nên bức xúc quá anh đã hạ sát vợ. Tại phiên tòa, hàng trăm người khóc xin cho bị cáo, trong đó có cả bố mẹ, anh chị em vợ. Luật sư, HĐXX cũng cảm thấy đắng nghẹn trong cổ họng, giá như…” – ông Nam tâm sự. Ở một khía cạnh khác, luật sư Nam cảm thấy đầy tâm trạng khi tham gia bào chữa cho những thân chủ vốn là công an, thẩm phán, thậm chí là luật sư.

 

Những con người ấy, họ hiểu luật lắm chứ nhưng đứng giữa công đường biết phải nói gì đây? Không ít vụ, trong con mắt dư luận, luật sư cũng là kẻ “đồng phạm” cùng một giuộc với bị cáo chỉ vì lỗi lầm của bị cáo lớn quá, đang bị cả xã hội lên án, điển hình là những vụ án hiếp dâm trẻ em, giết người dã man. Nhưng, đã là luật sư, khi được mời hoặc chỉ định phải có trách nhiệm bảo vệ cho thân chủ hoặc chí ít giúp họ nói lên tâm nguyện, lời sám hối, đó cũng là quyền của mỗi con người được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, có một câu hỏi mà luật sư Nam cũng như nhiều luật sư khác khó trả lời là: Biết thân chủ phạm tội nhưng có nên tố giác hay không? Câu hỏi đó vẫn luôn đau đáu trong tâm.
 

Lý Công Danh

.