(BVPL) - Báo chí văn nghệ phải là nơi đóng góp tích cực trong việc định hướng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thế nhưng, hiện tượng “sính” ngoại, lăng xê, thổi phòng... trên báo chí, phát thanh truyền hình đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, lối sống người dân, đặc biệt là giới trẻ. Đây cũng là vấn đề nóng bỏng được đem ra bàn bạc tại Hội nghị Báo chí Văn nghệ toàn quốc năm 2013.
Mất tính định hướng
Lâu nay, vì chạy theo thị hiếu nhất thời của xã hội, nhiều tờ báo đang khá dễ dãi về mặt nội dung; Tính định hướng thẩm mỹ, định hướng tư tưởng xã hội không được chú ý quan tâm đúng mức. Lướt qua một số tờ báo điện tử, hầu hết chuyên trang văn hóa - văn nghệ của họ chủ yếu đi sâu moi móc chuyện đời tư của các diễn viên, ca sỹ, người nổi tiếng. Các hình ảnh ăn mặc hở hang, phản cảm được khai thác triệt để. Nhiều dạng giật tít như: Bỏng mắt với...; Rát mắt cùng...; TTH lộ hàng...; Nõn nà với... được sử dụng với mật độ dày đặc. Đôi khi một bài báo dài cả mấy nghìn chữ cũng chỉ nói đi, nói lại việc một người đẹp nào đó đi Spa như thế nào. Việc các sao nói xấu nhau, những trận “khẩu chiến” hay các sao yêu kiểu tay ba, tay tư được các báo khai thác chi tiết, tỉ mỉ... Ngôn ngữ sử dụng chưa được chọn lọc, tiếng Việt xen kẽ tiếng Anh, các ngôn ngữ chát chít, từ lóng được khai thác triệt để... là những điều đang ảnh hưởng xấu đến sự hình thành lối sống của giới trẻ hiện nay.
Không chỉ báo điện tử, chuyên mục văn hóa - nghệ thuật của một số báo in có lúc cũng sa đà vào các thông tin như: tiêu cực xã hội, phản ánh ý kiến bạn đọc... khi chưa kiểm chứng thông tin gây bức xúc dư luận. Chất lượng các tác phẩm văn hóa nghệ thuật chưa cao, mảng lý luận phê bình ngày càng ít.
Tại Hội nghị Báo chí Văn nghệ toàn quốc, bà Lê Thị Bích Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn nghệ, Ban tuyên giáo Trung ương cũng bày tỏ lo ngại khi các chương trình giải trí trên các kênh truyền hình đang quá “sính” ngoại và xa lạ với văn hóa dân tộc. Chương trình đình đám như: Giọng hát Việt nhí là một ví dụ. Tại sao chúng ta có rất nhiều bài hát hay, thế nhưng đa số các em đều chọn trình diễn nhạc nước ngoài? Hay các bộ phim có giá trị nghệ thuật cao như: Mùi cỏ cháy lại không được giới báo chí lăng xê, quảng bá bằng những bộ phim có nội dung nhố nhăng, giá trị nghệ thuật thấp?...
Thoát khỏi “màu xám”
Tính đến tháng 3/2013, cả nước có 812 cơ quan báo chí in với hơn 1084 ấn phẩm, 67 đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương với 172 kênh chương trình phát thanh và truyền hình quảng bá. Trong đó, có trên 80 cơ quan báo chí văn học nghệ thuật. Với những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới đã tác động không nhỏ đến hoạt động của báo chí. Nhiều tờ báo đã phải gộp kỳ, cắt kỳ, cắt trang, thậm chí xin ngừng ra ấn phẩm. Tuy nhiên, xét về tổng thể số lượng cơ quan báo chí chuyên ngành văn nghệ cũng như chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về văn học, nghệ thuật hiện nay đang chiếm số lượng và thời lượng lớn hơn nhiều so với báo chí của các chuyên ngành khác.
Để độc giả, công chúng có thể tìm hiểu, khám phá cảm thụ văn học, nghệ thuật, định hướng xây dựng lối sống lành mạnh... Các cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo điều kiện để họ có thể sáng tác được những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng cũng như nghệ thuật. Việc tổ chức các cuộc thi sáng tác, hội thảo khoa học, biểu diễn, trưng bày các tác phẩm văn học nghệ thuật... là điều rất cần thiết. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu tham gia hội nghị.
Ông Đỗ Quý Doãn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, báo chí văn nghệ cần là nơi ươm mầm của những sáng tác mới, cây bút trẻ. Các chương trình truyền hình, truyền thanh cần phải phát triển nhiều thể loại, chuyên mục phong phú, đa dạng và có chất lượng. Cần tập trung giải quyết các vấn đề nổi trội như cơ chế chính sách cho báo chí văn nghệ; Quy định của luật pháp đối với báo chí văn nghệ; Điều kiện nào cho báo chí văn nghệ phát triển...
Thu Huệ