Một loài vật không biết chữ, không biết nói, dễ dạy bảo, và đặc biệt là tuyệt đối trung thành. Cả cuộc đời của loài chó phó thác cho con người. Và hiển nhiên, nó là một thành viên trong gia đình của loài người. Muôn đời nay vẫn như vậy, và người phương Tây phải yêu chó như thế nào, họ mới mạnh dạn khẳng định như vậy.
Thế nhưng, ở người Việt chúng ta, mỗi khi con người phỉ báng, thóa mạ, hạ thấp nhau, họ thường mượn hình ảnh con chó với ý nghĩa thấp hèn. Đó là một thói quen xấu, cần phải thay đổi. Ngược lại, loài chó đáng để được yêu thương, làm bạn, thậm chí còn được cho là tri kỉ của con người hơn là bị ví von như một thứ cặn bã.
Phẩm chất tiêu biểu nhất phải kể đến đầu tiên của loài chó, đó là lòng trung thành. Trên thế giới và cả ở Việt Nam, từ trước đến nay đã ghi nhận, chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động về lòng trung thành của “người bạn” này đối với chủ nhân của mình. Biểu tượng ấy điển hình ở chú chó Hachiko, được nuôi dưỡng bởi vị giáo sư người Nhật Ueno Eizaburo. Ròng rã gần 10 năm trời nằm đợi chủ nhân trở về tại nhà ga bất kể nắng mưa, đói khát, mặc dù giáo sư đã ra đi trong một cơn đột quỵ trên giảng đường và vĩnh viễn không thể trở về. Để rồi cuối cùng, Hachiko đã chết vì già yếu chính tại nhà ga Shibuya sau chuỗi ngày đợi chờ vô vọng. Chú chó huyền thoại ấy đã được người Nhật xem là “báu vật quốc gia”, đã được dựng thành phim và xây tượng đài tưởng niệm ở đất nước này.
Tôi cũng đã đọc ở đâu đó vô số những câu chuyện cảm động về loài vật sống rất tình cảm này. Đó là những chú chó khi chủ qua đời, đã bỏ nhà ra nghĩa trang, sống trọn cuộc đời mình bên mộ chủ. Đó là những chú chó cứu chủ thoát khỏi những tai nạn thảm khốc, bất chấp hiểm nguy. Đó là chú chó không may bị đánh bả, vẫn kịp chạy về bên chủ và rơi những giọt nước mắt đau thương, tiếc nuối trước khi giã biệt người nuôi nấng mình. Và cảm động hơn cả, là câu chuyện ở ngay đất nước mình, khi được bạn bè kể lại, tôi mới thấy ngưỡng vọng lòng trung thành của loài chó. Khi bị chính chủ nhân giết thịt bằng cách đập đầu, chú chó ấy may mắn thoát chết và vùng chạy. Vậy mà, chỉ vài giờ sau, lại lững thững quay về nhà mà không biết rằng, những con người cố ý hãm hại nó vẫn đang chực chờ sẵn để thực hiện mục đích còn dang dở đó.
Chó là loài vật sở hữu một tình yêu vô điều kiện. Một tình yêu không mặc cả, toan tính, dẫu chủ nhân có thường xuyên bạc đãi, đánh đập nó. Tình yêu ấy là minh chứng của lòng bao dung, độ lượng, không bao giờ biết hận thù, oán ghét. Nó là điển hình cho một quan điểm sống an nhiên, thư thái là biết chấp nhận chính mình, hài lòng với bản thân mà không hề đòi hỏi, không có lòng tham, dẫu sống bằng cơm thừa, canh cặn bên người chủ nghèo khó.
Chính những điều đó đã hình thành ở loài chó sự lạc quan, biết hòa nhập với hoàn cảnh để thấy cuộc sống luôn tươi đẹp. Nó luôn răm rắp nghe lời chủ nhân mỗi khi muốn chơi, đùa giỡn với nó bằng sự hưng phấn tột độ mà không hề gượng gạo. Vậy nên, muốn được giải khuây, thư giãn sau một ngày làm việc vất vả, chó chính là người bạn lý tưởng được con người lựa chọn.
Ngoài ra, một phẩm chất đặc trưng của loài chó không thể không nhắc tới là lòng dũng cảm, điều mà không loài vật nào có được. Nó sở hữu tinh thần chiến đấu rất cao và sẵn sàng bảo vệ chủ nhân của mình đến cùng trước những mối hiểm hoạ. Chó chính là vệ sĩ tin cậy của con người. Đúng như câu danh ngôn đầy tán tụng dành cho loài vật này: “Chó là điều duy nhất trên trái đất yêu bạn hơn yêu chính nó” (Josh Billings).
Là biểu tượng của những phẩm chất đáng quý, loài chó xứng đáng được đi vào những tác phẩm văn chương, điện ảnh. Và, không có gì bất ngờ khi nó cũng thật xứng đáng góp mặt trong một bài diễn văn được đánh giá là xuất sắc nhất trong 1.000 năm qua của nhân loại.
Được chắp bút bởi vị chính khách người Mỹ George Graham Vest, bài thuyết minh về loài chó có những câu hết sức cảm động: “… Trên thế gian vụ lợi ích kỉ này, con người chỉ có thể có được một người bạn vô tư không điều kiện, một người bạn không bao giờ rời bỏ ta, không bao giờ vô ơn bạc nghĩa, không bao giờ phản bội, đó là con chó của ta. Nó luôn ở cạnh ta, dù ta giàu sang hay ta nghèo khó, dù ta khỏe mạnh hay ta ốm đau, bệnh tật”.
Người viết xin được khép lại đôi dòng tản mạn bằng lời khẳng định như một đức tin trong bài diễn văn kiệt xuất dành riêng cho loài chó của George Graham Vest: “… Khi thần chết rước ta đi và thân xác ta nằm dưới lòng đất lạnh, khi người thân, bạn bè đưa tiễn đã quay về để tiếp tục bận rộn với cuộc sống của họ, thì con chó cao quý vẫn còn nằm bên nấm mồ ta, đầu gục xuống giữa hai chân, đôi mắt đau buồn nhưng vẫn mở to cảnh giác, trung thành và chân thực ngay cả khi ta đã chết”.
Ngô Thế Lâm