Theo Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng, nghệ thuật múa rối cạn Tế Tiêu có từ thời Lê Trung Hưng. Khi ấy, ông Trần Triều Đông sau khi về Tế Tiêu khai hoang, lập làng, dạy dân trồng lúa đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật này và truyền dạy cho người dân. Từ đó, múa rối cạn phát triển mạnh mẽ, trở thành một hoạt động văn hóa tinh thần đặc sắc trong đời sống cộng đồng.
Múa rối cạn Tế Tiêu là sự kết hợp hài hòa và tinh tế giữa nhiều yếu tố như sân khấu, quân rối, trò diễn, tích trò, kỹ thuật điều khiển, nghệ thuật trình diễn, âm nhạc, văn học, hát thoại… Để điều khiển con rối một cách linh hoạt, người nghệ nhân phải khéo léo, nhập vai vào nhân vật và phối hợp nhịp nhàng với nhau. Điểm đặc sắc của múa rối cạn Tế Tiêu nằm ở những nhân vật rối có tạo hình ngộ nghĩnh, thô mộc, màu sắc rực rỡ, mang đậm chất dân gian. Những con rối này được làm từ gỗ sung, tạo nên nét đặc trưng riêng không thể trộn lẫn. Không chỉ vậy, múa rối cạn Tế Tiêu còn hấp dẫn người xem khi kết hợp nhuần nhuyễn các trích đoạn tuồng kinh điển Việt Nam, chuyển hóa chất tuồng vào nghệ thuật rối một cách tự nhiên và sinh động.
Nhạc cụ trong các vở diễn múa rối cạn Tế Tiêu cũng mang đậm bản sắc dân tộc, bao gồm nhị, đàn tam, trống cái, trống con… Lời hát trong các tích trò không chỉ sử dụng các làn điệu dân ca, hát nói, hát ngâm mà còn chắt lọc tinh hoa từ nhiều thể loại kịch hát truyền thống như tuồng, chèo, hát văn, quan họ. Qua hàng trăm năm gìn giữ và phát triển, phường múa rối Tế Tiêu đã dàn dựng và biểu diễn thành công khoảng một trăm trò, tích trò rối cạn. Ngoài các trò rối cổ, phường còn sáng tạo thêm những tiết mục mang nội dung phản ánh các vấn đề xã hội, lên án lối sống không lành mạnh, tệ nạn xã hội, cũng như các vở diễn dựa trên những câu chuyện dân gian, văn học, lịch sử.
|
|
Phường múa rối Tế Tiêu đã mang di sản văn hóa phi vật thể của quê hương đến với đông đảo công chúng. |
Trong nhiều năm qua, phường múa rối Tế Tiêu đã mang di sản văn hóa phi vật thể của quê hương đến với đông đảo khán giả thông qua các chương trình, liên hoan văn hóa nghệ thuật, các buổi biểu diễn tại bảo tàng, điểm du lịch làng nghề, trường học trên địa bàn Hà Nội và các kỳ Festival Huế.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng trống và những câu hát dân gian trong nghệ thuật múa rối cạn Tế Tiêu vẫn vang vọng, trở thành mạch nguồn văn hóa “độc nhất vô nhị” của người dân Thủ đô.