Một góc di tích Phu Văn Lâu ở Huế bị sập
Cập nhật lúc 14:56, Thứ sáu, 16/05/2014 (GMT+7)
Vào khoảng 5 giờ sáng 15-5, di tích Phu Văn Lâu (trước Kỳ Đài - Kinh thành Huế) đột ngột sập đổ góc phía đông bắc, rất may không thiệt hại về người.
Hiện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - đơn vị quản lý di tích này đã dựng rào chắn phong tỏa để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách qua lại khu vực di tích, đồng thời cử nhân viên trực tiếp giám sát, hướng dẫn du khách tránh vào khu vực xảy ra sự cố.
Tại hiện trường, góc trái phía sau Phu Văn Lâu, phần mái đổ sụp xuống với đống ngói vỡ và gỗ mục ngổn ngang cùng một một cột đỡ là cây gỗ tròn dài khoảng 3m, đường kính hơn 0,2m. Hiện, các hạng mục khác của công trình này gồm các liên kết giữa cột, kèo và các thanh đà cũng có dấu hiệu mục nát vì mối mọt.
Phu Văn Lâu là một tòa lầu nằm trên trục chính của Hoàng thành Huế, được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long, nằm gần bờ Bắc sông Hương, tại dải đất chạy ngang qua trước mặt kinh thành Huế và ở vị trí ngay trên trục chính của quần thể kiến trúc cố đô Huế: Điện Thái Hòa - Ngọ Môn - Kỳ Đài - Phu Văn Lâu - Nghinh Lương Đình - Hương Giang - Ngự Bình.
Phu Văn Lâu là một tòa nhà lầu cao 11,67m, mái lợp ngói ống tráng men vàng (hoàng lưu ly), tòa nhà có 16 cột sơn màu đỏ sậm (4 cột chính xuyên suốt cả hai tầng, 12 cột quân), có hệ thống lan can bao xung quanh, không gian tầng dưới hoàn toàn để trống. Tầng hai, bốn mặt đều dựng đố bản, kiểu đồ lụa khung tranh, hai bên trổ cửa sổ tròn, lan can bên ngoài bằng gỗ, trên của sổ mặt tiền có treo hoành phi sơn son thếp vàng, trang trí dây lá cách điệu “lưỡng long triều nguyệt”. Trong lần tu sửa năm 1974, người ta đã thay thế một số kết cấu gỗ cột, kèo, xuyên bằng xi măng cốt thép.
Tại vị trí Phu Văn Lâu trước đây, triều đình (đầu thời Gia Long) đã cho xây một công trình kiến trúc tương đối nhỏ, mang tên Bảng Đình (Đình treo bảng). Đến năm 1819 cũng dưới thời Gia Long được thay thế bằng một tòa nhà hai tầng và đổi tên thành Phu Văn Lâu. Năm 1843, vua Thiệu Trị cho dựng nhà bia bên tay phải lầu để khắc bài thơ “Hương Giang hiểu phiếm” (Buổi sớm bơi thuyền trên sông Hương).
TS Phan Thanh Hải cho biết: “Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ lập một hội đồng đánh giá nhanh mức độ xuống cấp của công trình và đưa ra các giải pháp khắc phục nhanh hậu quả, nhưng về lâu dài phải có dự án để trùng tu lớn. Vì sau giải phóng đến giờ, nơi đây chưa một lần nào được trùng tu đúng nghĩa cả…”.
“Trước mắt, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ xử lý tạm để bảo đảm mỹ quan cho cảnh quan chung của di tích, sau đó sẽ tiến hành xây dựng ngay một dự án trùng tu bài bản để trình UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tiến hành trùng tu lại di tích này” - ông Hải nói.
Theo Nhân Dân
.