Việt Nam là nơi người mẫu hoạt động bát nháo nhất. Ai cũng có thể tự xưng là người mẫu dù chưa một ngày hoạt động nghề. Danh xưng người mẫu đang trở thành thang giá trị cho những cuộc mua bán xác thân. Chỉ cần có chân dài và một hình thể đẹp là trở thành người mẫu nên chẳng ai thống kê và kiểm soát hết được những người mẫu tự xưng.

Cựu người mẫu Thúy Hạnh, với con mắt của một người đào tạo, tỏ ra khắt khe hơn: “Nếu cứ có chân dài, dáng đẹp đều được xem là người mẫu thì thời nay có quá nửa số người dân có thể trở thành người mẫu. Nếu cứ nhìn bằng chuẩn mực dễ dãi như vậy thì có lẽ đến các PG (nữ tiếp thị sản phẩm) hay những cô gái chuyên trình diễn trong các quán bar cũng trở thành người mẫu mất”.

Không có con số thống kê chính xác về đội ngũ hoạt động người mẫu chuyên và không chuyên hiện nay tại Việt Nam vì số lượng luôn biến động, nhất là đội ngũ không chuyên. Nếu các công ty đào tạo người mẫu (có chức năng đào tạo thực sự) đều đưa ra chuẩn mực riêng để lựa chọn người có tiềm năng hoạt động người mẫu thì những bầu sô người mẫu PG, sự kiện tuyển chọn “người mẫu” dễ dàng hơn, chỉ cần có sắc vóc.  Từng làm công việc PG lành nghề, khi giải nghệ, nhiều cô tự lập thành nhóm PG mới và làm vai trò quản lý nhóm. Các nhóm người mẫu dạng này phát triển theo cấp số nhân vì họ đều hoạt động tự do, có việc mới gọi nhau đi làm.

Căn nguyên dẫn đến phức tạp


Có một nghịch lý tồn tại trong làng người mẫu Việt so với thị trường người mẫu thế giới chính là hình thức hoạt động tự do. Cựu người mẫu Thúy Hạnh chia sẻ nếu ở nước ngoài, các người mẫu tự do phải là người cực kỳ nổi tiếng với thâm niên hoạt động nghề cùng năng lực được thừa nhận, còn ở Việt Nam thì ngược lại. Nghịch lý này bắt nguồn từ sự khác biệt giữa thị trường người mẫu Việt Nam với thị trường thế giới. Nếu người mẫu nước ngoài không thể kiếm được việc làm vì không được sự bảo lãnh của một công ty quản lý người mẫu thì ở Việt Nam, “người mẫu” tự kiếm việc mà không cần sự bảo lãnh hay bảo chứng nghề từ công ty đào tạo hay công ty quản lý. “Cứ thấy ưng mắt là hợp tác và đó chính là căn nguyên cho nhiều vấn đề phức tạp phát sinh” - cựu người mẫu Thúy Hạnh chia sẻ.

Ở Việt Nam không có sự phân biệt rạch ròi giữa người mẫu với những người làm công việc PG hay mẫu ảnh. Sự phân biệt có chăng chỉ đơn giản là người mẫu chuyên nghiệp (những người có tham gia trình diễn catwalk trong các chương trình biểu diễn thời trang) với người mẫu không chuyên (gồm mẫu ảnh, PG, hotgirl,...).

Bà Quỳnh Trang, Giám đốc Công ty Đào tạo người mẫu BeU, nói: “Khái niệm người mẫu ở Việt Nam còn quá đơn giản và dễ dãi. Hầu như mọi người đều nghĩ chỉ cần có chân dài và một hình thể đẹp là trở thành người mẫu. Thực tế không hẳn vậy bởi người mẫu là một nghề như bất cứ nghề nghiệp nào, để thành công, bạn phải làm việc nghiêm túc, không ngừng rèn luyện bản thân và phải hoạt động thông qua các công ty quản lý chuyên nghiệp”.

Cựu người mẫu Thúy Hạnh cho rằng: “Vì không ai quản lý nên người đẹp nào cũng có thể nhận mình là người mẫu rồi lạm dụng danh xưng ấy để mưu cầu lợi ích cá nhân, thậm chí làm những chuyện đáng xấu hổ”.

Nhiều hệ lụy do không được quản lý


Theo bà Quỳnh Trang: “Thực tế hiện nay tại Việt Nam, số lượng người mẫu đông nhưng danh sách các công ty quản lý, đặc biệt là công ty quản lý chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Công ty người mẫu sẽ mang đến những cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp cho người mẫu, đồng thời bảo đảm quyền lợi tài chính cho họ. Nếu chúng ta cứ tiếp tục để tình trạng người mẫu hoạt động tự do, không qua công ty quản lý như hiện nay, chắc chắn sẽ có nhiều hệ lụy xảy ra, ảnh hưởng đến hình ảnh người mẫu nói riêng và cả ngành công nghiêp thời trang nói chung. Vì thế, tôi hy vọng trong thời gian tới, vai trò của công ty quản lý sẽ được nhìn nhận đúng đắn hơn không chỉ bởi những người mẫu mà còn bởi những người làm trong nghề và bởi toàn xã hội”.

Theo Người lao động