Chưa đến rằm tháng Tám, đường phố Tuyên Quang đã la liệt những chiếc đèn trung thu khổng lồ đủ kiểu dáng, màu sắc, đêm đến, chúng được diễu hành khắp thành phố.
 
 
Đến Tuyên Quang những ngày này, du khách dễ choáng ngợp trước hàng trăm chiếc đèn Trung thu khổng lồ có hình rùa và thỏ, Thạch Sanh, mãng xà, nàng tiên cá, Bạch Tuyết và bảy chú lùn, voi, cá chép, thậm chí có chiếc là hình thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh... Đèn được đặt trên khung sắt có bánh xe, gắn máy phát điện thắp sáng bóng đèn và mở loa, đài rộn ràng.
 
Không khó để chúng tôi tìm hiểu về phong trào chơi đèn Trung thu ở TP này vì người dân Tuyên Quang nào cũng sẵn sàng nói về niềm tự hào của họ: trước Trung thu độ một tháng, các thôn, xóm, tổ dân phố họp nhau tìm ý tưởng. Những người khéo tay được cử làm đèn, trước là để con em vui chơi, sau là dự thi với thành phố.
 
Anh Trần Minh Hòa, một người dân tổ 5, P.Thịnh Quang, cho biết: tổ 5 có 90 hộ dân, thì hơn 70 hộ góp kinh phí, hộ ít nhất 100.000 đồng, hộ khá giả thì góp 500.000 hoặc 1 triệu đồng, có doanh nghiệp ủng hộ cả chục triệu đồng. Đã có 5 năm làm đèn Trung thu cho các cháu, nhưng năm nay tổ 5 mới đăng ký dự thi với TP bằng chiếc đèn hình cóc kiện trời, thể hiện chủ đề bảo vệ môi trường. Trong một tháng rưỡi, 20 người đã dựng “chú cóc” này bằng khung tre, dán giấy bóng và sơn phết như thật, bụng cóc lắp bóng đèn.
 
Nhiều xã ở các huyện giáp TP.Tuyên Quang cũng làm đèn Trung thu để rước trong thôn xóm và không dự giải do Phòng VH-TT-DL TP.Tuyên Quang tổ chức. Những chiếc đèn này cũng không kém phần lộng lẫy. Đã xem một chiếc đèn mang hình lán Nà Lừa trên đường phố Tuyên Quang, chúng tôi lại bắt gặp một chiếc đèn khác với ý tưởng tương tự ở thôn Suối Khoáng, xã Phú Lâm, H.Yên Sơn với chiều cao khoảng 2,5 m, dài 3 m. Anh Lê Mạnh Dũng, một trong những người thực hiện chiếc đèn ở xã Phú Lâm nói: “Kỳ công nhất là việc đan phên, dựng nhà, sau đó ghép ván ở dưới để trẻ con có thể chui vào, ngồi lên chơi. Đèn này làm trong 10 ngày, hết hơn 10 triệu đồng”.
 
Tốn kém nhất cho mỗi chiếc đèn là khung sắt và máy nổ, khoảng 7-8 triệu, nhưng có thể dùng cho những năm sau.
 
Càng ngày, thú chơi đèn Trung thu ở Tuyên Quang càng rầm rộ. Nhiều doanh nghiệp, trường học, đoàn thể cũng làm đèn. Những ngày này, đường phố Tuyên Quang mỗi đêm có đến 140-150 chiếc đèn diễu hành. Trong đó, 80 chiếc đã đăng ký dự thi và được Ban tổ chức chương trình “Đêm hội thành Tuyên” chấm giải dựa trên các tiêu chí về ý tưởng, chất liệu, kích thước…
 
Ông Trương Đức Tiến, Trưởng phòng VH-TT-DL TP.Tuyên Quang, Phó trưởng ban tổ chức Đêm hội thành Tuyên năm 2013 cho biết: theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, lễ diễu hành đèn Trung thu sẽ diễn ra trong 6 ngày chính, từ 14-21.9. Trong chương trình “Đêm hội thành Tuyên” tối nay 18.9 (14.8 Âm lịch), Ban tổ chức sẽ trao giải cho những đèn xuất sắc nhất.
 
Không chỉ trong 6 ngày “chính hội”, ánh đèn trung thu muôn hình vạn trạng đã lung linh trên đường phố Tuyên Quang cách đây nửa tháng. Mỗi đêm, khu vực quanh ngã tám, dọc đường Bình Thuận, từng đoàn đèn diễu hành, thu hút hàng nghìn người xem. Tại quán cafe trên tầng 6 một tòa nhà ở đường Bình Thuận, chị Hoa, một nhân viên phục vụ nói: “Vì quán có góc nhìn đẹp nên nửa tháng nay luôn đông khách, đến mức chúng em phải thu tiền trước để tránh nhầm lẫn”.
 
Theo Thanh niên