Lễ hội Katê 2011 của người Chăm diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua tại Ninh Thuận với nhiều hoạt động văn hóa hết sức đặc sắc, trong đó nổi bật là lễ rước y trang từ xã Phước Hạ về đền Ponưgar (thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, Ninh Phước), rồi lên tháp Poklongarai trên đồi Trầu.

 

Tháp Poklongarai - Ảnh: Lê Xuân
Tháp Poklongarai - Ảnh: Lê Xuân

Hàng ngàn người dự lễ đã có dịp hòa mình vào các điệu múa truyền thống như múa quạt, vũ điệu siva thướt tha dịu dàng của các cô gái Chăm xinh đẹp xen lẫn trong âm thanh rộn ràng của tiếng trống Baranưng, tiếng kèn Saranai réo rắt cùng tiếng lục lạc vui tai.

 

 

Được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 (thời vua Shihavaman, người Việt gọi là Chế Mân), tháp Poklongarai dùng để thờ vua Poklongarai, vị vua có nhiều công lớn trong việc khai thông hệ thống thủy lợi trên vùng đất này. Đây là một công trình độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chăm.

 

Tọa lạc trên đồi Trầu, cụm tháp Poklongarai có nhiều công trình lớn nhỏ, nhưng trải qua bao thăng trầm của thời gian, cụm tháp giờ chỉ còn lại ba ngôi tháp gồm: tháp Cổng (nơi vua tiếp khách), tháp Lửa (bếp lửa của vua) và tháp Chính (nơi ở của vua và hiện nay đang thờ vua Poklongarai). Tháp Chàm được xây dựng bằng loại gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương và được liên kết với nhau rất rắn chắc, bền vững.

 

Tháp xây theo cấu trúc phía dưới chân rộng, và cứ thế thu nhỏ dần lại như nụ hoa đang e ấp. Không gian trong tháp chật hẹp, thường chỉ có một cửa duy nhất mở về hướng đông. Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của tháp đều được chạm khắc trang trí bằng các họa tiết gốm, đá với đủ loại hình người, chim muông, vũ nữ, thần thánh... rất tinh xảo và sống động.

 

Tưởng chừng như chỉ cần chạm tay vào, một vũ nữ Chăm mắt phượng, mày ngài uốn tấm lưng ong đứng dậy, nhấc gót sen và say sưa trong những vũ điệu đam mê bất tận. Tất cả công trình chạm trổ, điêu khắc ấy đều phản ánh đầy đủ ý nghĩa về nghệ thuật và tôn giáo của người Chăm.

Đứng trên ngọn đồi có cụm tháp này, dưới những tán me cổ thụ xanh ngắt hòa lẫn mùi gió biển mằn mặn trong không khí từ biển Ninh Chữ thổi về, bạn có thể đưa mắt ngắm nhìn TP Phan Rang - Tháp Chàm hiện lên như một bức tranh thủy mặc với biển cả bao la, đồi núi chập chùng và thấp thoáng cả bóng dáng của các cô gái Chăm duyên dáng, uyển chuyển trong tấm váy dài chấm gót đầy quyến rũ. 

Cẩm Nhung
( Thanh niên )