Lào Cai 'trăn trở' làm sân khấu bán sử thi cho Ngày hội Tây Bắc
Cập nhật lúc 15:11, Thứ ba, 20/09/2016 (GMT+7)
Sau 12 năm đăng cai Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng, lần này Lào Cai phải "trăn trở" để tìm ra những nét mới. ( Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, sân khấu , Ngày hội Tây Bắc, sử thi , trăn trở, Lào Cai)
Sau 12 năm đăng cai Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng, lần này Lào Cai phải “trăn trở” để tìm ra những nét mới.
Đây là lần thứ 13, Lào Cai được giao đăng cai Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng gồm 8 tỉnh là Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu,Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang.
Năm nay, Ngày hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 1-3/10 với chủ đề “Các dân tộc vùng Tây Bắc đoàn kết và phát triển – Hướng tới năm du lịch quốc gia 2017”. Ngày hội sẽ có các hoạt động lớn như Lễ dâng hương Tượng đài Bác Hồ, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các dân tộc vùng Tây Bắc, Triển lãm ảnh nghệ thuật, Trại trưng bày sản phẩm văn hóa Tây Bắc, Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc vùng Tây Bắc... cũng như các hoạt động thể thao, các trò chơi dân gian như: Kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, tu lu, việt dã.
Sau 12 lần tổ chức, Lào Cai vấp phải nhiều khó khăn khi chuẩn bị nội dung cho lễ khai mạc. Chia sẻ trong buổi họp báo giới thiệu Ngày hội vào sáng 20/9 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Tố Uyên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: “Màn khai mạc là điều mà chúng tôi rất trăn trở khi được giao đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng. Đã là lần thứ 13 nên để tiếp tục tạo ấn tượng là điều rất khó khăn”.
|
Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ 13 sẽ được dựng theo cách bán sử thi. |
Theo tiết lộ của BTC, sân khấu cho đêm khai mạc sẽ được làm theo cách bán sử thi, không đặt nặng tính sân khấu hóa theo chủ đề “Dịu hiền Lào Cai – Lung linh Tây Bắc”. Sẽ có tổng cộng 350 diễn viên, nghệ nhân, đồng bào dân tộc của 8 tỉnh tham gia vào lễ khai mạc. Ngoài ra, sẽ có màn diễn diễu của tất cả các diễn viên, trình bày nét đặc trưng về văn hóa của các tỉnh trước giờ khai mạc chính thức vào 20h ngày 1/10 (truyền hình trực tiếp trên VTV, VOV và TTXVN). BTC hy vọng sẽ để lại dấu ấn cho khán giả.
Hiện tại, tỉnh Lào Cai đang tích cực chuẩn bị cho sự kiện văn hóa quan trọng này. Do Ngày hội gắn liền với kỷ niệm 25 tái lập tỉnh Lào Cai, cũng như là sự kiện khởi đầu Năm Du lịch quốc gia 2017 nên Lào Cao càng cẩn thận hơn để giới thiệu cho du khách tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Khu vực sân khấu khai mạc tại Quảng trường Nam Cường đã được chỉnh trang toàn bộ. Các công trình kỷ niệm 25 năm như nhà bảo tàng, nhà văn hóa, trung tâm thể dục thể thao… đã hoàn thiện và được đưa vào sử dụng.
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái: “Tây Bắc và Đông Bắc là 2 vùng có nét văn hóa đặc sắc nhất của toàn miền Bắc. Nếu Đông Bắc là hơi thở của biển đảo thì Tây Bắc đậm chất núi rừng. Bởi vậy, ngoài 6 tỉnh Tây Bắc, chúng tôi đã mở rộng thêm 2 tỉnh Đông Bắc là Phú Thọ và Hà Giang để Ngày hộ phong phú hơn. Lần thứ 13 đăng cai tổ chức, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Lào Cai đã cố gắng để tạo cuộc vui, gắn bó các dân tộc. Các đơn vị xã hội hóa cũng đóng góp một phần kinh phí để tổ chức”.
Trong Ngày hội, mỗi địa phương sẽ mang những nét độc đáo, đặc trưng nhất để mang ra trình diễn cũng như trưng bày. So với các năm trước, các hoạt động chính của ngày hội chỉ thay đổi một chút để phong phú hơn. Với riêng Lào Cai, năm nay tỉnh sẽ tập trung giới thiệu về người dao đỏ ở Bảo Thắng với những điểm nhấn đặc sắc./.
Theo VOV
.