Trưng bày chuyên đề "Cải cách ruộng đất 1946-1957" đã chính thức khai mạc sáng 8/9 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội.
|
Triển lãm có gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất chứa đựng nhiều giá trị lịch sử (Nguồn: TTXVN) |
Trong cuộc trưng bày này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu đến công chúng gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các cơ quan lưu trữ, các bảo tàng ở Hà Nội và địa phương như Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính Phủ, Văn phòng Quốc Hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, II, III, Bảo tàng Hồ Chí Minh và bảo tàng các tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình…
Những tư liệu, hiện vật này rất quý hiếm, chứa đựng nhiều giá trị nội dung lịch sử và lần đầu tiên được đưa ra trưng bày, giới thiệu đến đông đảo công chúng trong khuôn khổ trưng bày chuyên đề quy mô lớn.
Trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946-1957” gồm hai phần. Phần đầu tập trung thể hiện tình hình "Nông thôn Việt Nam trước cải cách ruộng đất". Phần này, Bảo tàng trưng bày một số hình ảnh, số liệu, bảng thống kê... để làm rõ sự tồn tại của bốn chế độ sở hữu chính về ruộng đất ở Việt Nam, là ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến; tư bản thực dân Pháp; ruộng đất công và ruộng đất của nông dân.
Tiếp đó là phần trưng bày các hình ảnh tư liệu và các hiện vật là đồ dùng sinh hoạt của địa chủ ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó có các tài liệt, tư liệu gốc như sổ ruộng đất, sổ thu tô... của địa chủ; đối lập với cuộc sống xa hoa của địa chủ là cuộc sống cực khổ, đói rách đến cùng cực của nông dân được thể hiện qua một số hiện vật, đồ dùng như áo bông, áo đụp, cày chìa vôi, thẻ thuế thân.
Trong phần chính nói về "Cải cách ruộng đất 1946-1957," các hiện vật, tài liệu trưng bày được chia làm bốn nội dung cụ thể. Trong đó, có một phần nêu rõ các chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách ruộng đất thông qua trưng bày nhiều ảnh tư liệu về các hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng Chính phủ, Quốc hội...; các văn bản như luật, sắc lệnh, pháp lệnh, nghị định, chỉ thị, thông tư, báo cáo, sách, tài liệu tuyên truyền về cải cách ruộng đất.
Phần nói về cải cách ruộng đất từ năm 1953-1956 giới thiệu một số ảnh tư liệu lịch sử, một số báo cáo tổng kết, bản thống kê, tờ tin, bản tin... về quá trình và kết quả thực hiện cải cách.
Phần "Sai lầm và sửa chữa sai lầm" giới thiệu một số ảnh tư liệu lịch sử, nghị quyết, thông tư, chỉ thị, công văn của Đảng, báo cáo kết quả sửa sai của một số địa phương.
Trong nội dung "Hoàn thành thắng lợi" được làm rõ qua các ảnh tư liệu về thành quả, kết quả mà người nông dân Việt Nam đã có sau cải cách ruộng đất; một số đồ dùng sinh hoạt của nông dân; nhóm huy hiệu, cờ thưởng, giấy chứng nhận sở hữu ruộng đất người nông dân được cấp sau cải cách...
Trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946-1957” sẽ diễn ra đến hết năm 2014./.
Theo TTXVN/Vietnam+