Với hơn 75% là đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên sinh sống, người Cil, người Lạch ở Lạc Dương vẫn giữ nguyên một nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng. Các nhóm cồng chiêng trên địa bàn huyện Lạc Dương hình thành từ năm 2000, ban đầu chỉ là những nhóm nhỏ tập hợp những nghệ nhân có tâm huyết với văn hóa dân tộc, muốn bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của cha ông đang có nguy cơ bị mai một.

 

 
Có thể nói chưa ở đâu trên đất Tây Nguyên, kiệt tác phi vật thể của nhân loại Không gian văn hóa cồng chiêng được phát huy cao độ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo như ở các buôn làng dưới chân núi Lang Biang. Chưa đầy 2 km, 10 đội nhóm cồng chiêng hoạt động. Năm 2012, có 900 ngàn lượt khách du lịch đến Lạc Dương, thì có đến 30% du khách thường hòa mình vào không gian cồng chiêng của 10 đội nhóm, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 500 nghệ nhân. Điều đó cho thấy vai trò của văn hóa cồng chiêng đối với việc phát triển kinh tế du lịch tại địa phương. Tuy nhiên, cũng trong quá trình “trăm hoa đua nở” đó, đã có những nhịp cồng chiêng bị lạc điệu. Để làm hài lòng du khách, một bộ phận nghệ nhân tự biến tướng cồng chiêng, bày ra những trò lố mua vui, dựa vào “cò” mồi dẫn khách để hoạt động… làm khác đi những gì cha ông đã để lại mong hấp dẫn được nhiều du khách để thu lợi. Cách “làm mới” cồng chiêng đó đã gây phản cảm, thất vọng cho những du khách ham tìm hiểu, muốn trải nghiệm không khí văn hóa cồng chiêng đích thực.
 
Trước thực trạng, những năm qua, huyện Lạc Dương đã đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết nhằm duy trì hoạt động của các nhóm cồng chiêng như: an ninh trật tự; chất lượng, nội dung chương trình biểu diễn; cấp phép biểu diễn; mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, biến tấu; phong cách phục vụ du khách; chọn lọc giá trị văn hóa để biểu diễn phục vụ khách; cơ sở vật chất phục vụ biểu diễn; vệ sinh an toàn thực phẩm… Là một cách để huyện nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đồng thời mang đến cho du khách một sản phẩm du lịch đúng bản sắc tộc người mà chính du khách tìm đến với cồng chiêng mong muốn được trải nghiệm, tìm hiểu.
 
Với quan điểm nhất quán là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhóm cồng chiêng hoạt động và phát triển trong khuôn khổ của pháp luật, Lạc Dương đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân và các nghệ nhân tham gia biểu diễn cồng chiêng lòng tự hào về các giá  trị văn hóa của cha ông, gìn giữ, bảo tồn và phát triển sử dụng hợp lý các giá trị văn hóa để phục vụ du lịch, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh văn hóa nơi công cộng. Huyện đã ban hành các văn bản quy định để quản lý hoạt động của các nhóm cồng chiêng như: Quy chế quản lý các hoạt động tổ chức biểu diễn kinh doanh văn hóa cồng chiêng trên địa bàn Lạc Dương, quyết định về việc thành lập CLB cồng chiêng Lang Biang và nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời chấn chỉnh hoạt động của các nhóm cồng chiêng. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện sai trái, lệch lạc. Tích cực hỗ trợ  quảng bá, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng và định hướng nội dung biểu diễn; điều tra, nghiên cứu về văn hóa, khôi phục các lễ hội truyền thống, tạo điều kiện cho nhóm phát triển. Huyện đã thành lập CLB văn hóa cồng chiêng để giúp các nhóm trao đổi về chuyên môn, động viên nhắc nhở nhau cùng chấp hành tốt các quy định, từng bước hình thành ý thức tự quản trong từng đội nhóm và trong CLB, xây dựng tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau giữa các nghệ nhân trong nhóm cồng chiêng. Coi trọng và đề cao vai trò của các già làng, những người có uy tín trong cộng đồng, các nghệ nhân trong việc vận động các nhóm cồng chiêng ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Bên cạnh đó, Sở VH-TTDL đã thực hiện thẩm định nội dung chương trình biểu diễn của các nhóm làm cơ sở cho việc cấp phép biểu diễn, qua đó kịp thời chấn chỉnh những chương trình tiết mục không phù hợp, định hướng nội dung chương trình biểu diễn cho các nhóm đảm bảo tính truyền thống của văn hóa cồng chiêng, và hàm lượng nghệ thuật cao trong các tiết mục. Các cơ quan nghiệp vụ của Sở cũng mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng phong cách phục vụ khách du lịch và các quy định của nhà nước về biểu diễn nghệ thuật nơi công cộng.
 
Để tạo nên những đêm cồng chiêng Lạc Dương thực sự là những đêm huyền thoại, ông Trần Khánh - Trưởng phòng VH-TT huyện Lạc Dương cho biết: Xác định phát triển du lịch văn hóa dựa vào tài nguyên nhân văn của các dân tộc trong huyện, chúng tôi đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào tham gia vào việc cung cấp các sản phẩm du lịch cho du khách. Đồng thời cho nhân dân tham gia vào quá trình quản lý hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa cùng với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch ở địa phương. Nhờ vậy, 3 năm qua, huyện Lạc Dương đã làm tốt công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc trong huyện gắn kết với phát triển du lịch văn hóa, coi phát triển du lịch là động lực quan trọng góp phần vào công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa.
 

Theo Báo Lâm Đồng

.