|
|
Một tiết mục biểu diễn của đoàn ca trù Hà Tĩnh. Ảnh: Công Tường/TTXVN |
Tham dự Liên hoan lần này có hơn 300 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đại diện cho 13 tỉnh, thành phố có nghệ thuật hát ca trù, cùng hướng tới mục tiêu làm sống dậy loại hình nghệ thuật độc đáo có nguy cơ mai một và thất truyền trong dân gian, góp phần bảo tồn sự đa dạng độc đáo các nền văn hóa dân tộc trong nước.
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư Tiến sỹ Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan nhấn mạnh: Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 240 năm Ngày sinh Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ - người có đóng góp lớn trong quá trình phát triển nghệ thuật hát ca trù và để chúng ta tri ân công lao to lớn của ông đối với quê hương, đất nước.
Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 cũng là dịp để tổng kết và đánh giá lại toàn bộ thành quả phục hưng ca trù, báo cáo thực trạng sức sống của ca trù hiện nay trong đời sống xã hội đương đại. Qua đó khẳng định Việt Nam đã thực hiện đầy đủ và đạt được những kết quả thiết thực như đã cam kết với UNESCO về sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa ca trù.
Kết quả của Liên hoan sẽ là một cơ sở dữ liệu, tiến tới thực hiện hồ sơ xin chuyển di sản ca trù từ danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” sang danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
|
|
Tiết mục của đoàn ca trù Hà Tĩnh. Ảnh: Công Tường/TTXVN |
Các đơn vị thuộc 13 tỉnh, thành phố tham gia Liên hoan lần này gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình của các đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan sẽ gồm một phần nội dung bắt buộc và không bắt buộc, có tổng thời lượng trình diễn cho phép từ 45-90 phút.
Với nội dung chương trình bắt buộc, mỗi đoàn xây dựng một tiết mục tham gia Liên hoan với tổng thời lượng quy định trong đó phải trình bày tối thiểu 3/15 thể cách và 1 tác phẩm của Nguyễn Công Trứ (có thể được hát bằng 1/3 thể cách bắt buộc đã chọn). Phần còn lại của chương trình là các tiết mục tự chọn mang phong cách vùng miền, thể hiện những nét đặc trưng độc đáo của địa phương.
Sau đêm khai mạc, từ ngày 2 - 4/11, các đơn vị nghệ thuật ca trù sẽ trình diễn các tác phẩm tham dự. Đêm bế mạc, trao giải và trình diễn các chương trình xuất sắc được tổ chức vào tối 5/11 tại Hà Tĩnh.
Theo TTXVN