(BVPL) - Nhiều năm trở lại đây, khu tưởng niệm Vương triều Mạc đã trở thành chốn linh thiêng để cho các sĩ tử và hàng ngàn du khách về tham dự “lễ khai bút” vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm, cầu mong những điều tốt lành trong năm mới. “Khai bút đầu xuân” đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc được gìn giữ cho đến ngày nay.
Trong bốn vật dụng trên, bút đứng hàng đầu, đóng vai trò quan trọng nhất trong thư pháp. Nó trở thành biểu tượng thiêng liêng, thể hiện đời sống tâm hồn, trí tuệ của con người. Mực là sản phẩm công phu và tốn nhiều thời gian nhất. Khi mài mực là lúc người nghệ sĩ đặt tất cả tâm hồn mình vào trong đó. Nghiên chính là “đồ nghề” dùng để mài mực và chứa mực. Vật liệu dùng để chế tác ra một cái nghiên cũng rất phong phú, có khi là bằng đá quý, cẩm thạch hay bằng ngọc, mã não… để dành cho vua, quan. Tuy vậy, cho dù được làm bằng chất liệu gì, thì đối với mỗi người “yêu chữ”, cái nghiên đã trở thành người bạn thân thiết, không thể thiếu. Giấy là sản phẩm xuất hiện tuy muộn hơn nhưng giấy lại chính là nơi để cho người nghệ sĩ thăng hoa, thả sức sáng tạo trong từng nét chữ.
Ngoài bộ tứ bảo trên còn có rất nhiều những vật dụng khác mà người sáng tác cũng rất “chăm chút”, đó là ống đựng bút, cục chặn giấy, lọ đựng nước... và quan trọng là con dấu – một thứ dùng để thay cho chữ ký.
Sau phần khai mạc và xác lập kỷ lục bộ “văn phòng tứ bảo” bằng đá xanh lớn nhất Việt Nam, lễ khai bút bắt đầu được tiến hành. Nhà thư pháp Lê Thiên Lý – Giám đốc Trung tâm thư pháp, câu đối và hán nôm học thành phố Hải Phòng lên mở đầu khai bút. Đây là mùa thứ 3 liên tiếp, lễ hội khai bút được diễn ra tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc và nhà thư pháp Lê Thiên Lý chính là người đã khôi phục lại truyền thống này của dân tộc. Năm nay, nhà thư pháp Lê Thiên Lý đã chọn ra hai chữ “Chí” và “Trí” để viết “trình làng”. Qua hai con chữ này, ông muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ Việt Nam rằng chúng ta hãy cố gắng học tập, siêng năng, đem hết nhiệt huyết, trí tuệ và ý chí vươn lên để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Tham gia lễ khai bút năm nay có rất nhiều các em học sinh đến từ nhiều trường trên địa bàn thành phố. Sau phần khai bút của nhà thư pháp Lê Thiên Lý, hàng ngàn các em học sinh, sinh viên và cả người lớn tuổi đều cử hành khai bút. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, những nét chữ thơm mùi mực trên nền giấy trắng phau, người khai bút đem tất cả ý nguyện, sự thành tâm lồng vào trong từng con chữ. Họ gửi gắm trong đó có thể là một bài thơ, một câu đối hay những điều mong muốn trong năm mới… Viết lên những ước vọng rồi buộc vào từng chùm bóng bay rồi thả lên trời, ai ai cũng hy vọng vào một năm mới với nhiều thành công mới.
Khai bút đầu xuân đã trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc từ bao đời nay. Đó không chỉ là việc đưa những nét chữ đầu tiên của năm mới mà còn hướng con người đến với cái Đẹp, cái Thiện, gửi gắm trong đó những hy vọng, mong muốn về những điều hạnh phúc, thành đạt, mọi sự may mắn…; đồng thời thể hiện sự hiếu học, tôn trọng chữ nghĩa. Và cho đến ngày nay, khi cuộc sống con người đang ngày càng hiện đại hóa, tục lệ khai bút đầu năm vẫn được gìn giữ. Bởi nó có một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, đó là để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, giáo dục lòng yêu nước, đạo làm người, khơi dậy niềm đam mê học tập, tìm tòi, sáng tạo.
Thu Hòa