Hướng đi nào cho truyện tranh Việt Nam?
Cập nhật lúc 05:16, Thứ tư, 24/06/2015 (GMT+7)
Khi thị trường truyện tranh trong nước đang bị các đối thủ nước ngoài thống lĩnh, thì liệu việc xuất bản truyện bằng phương thức "xã hội hóa" của nhiều tác giả trẻ hiện nay có phải là một hướng đi thích hợp? (truyện tranh, Conan, Doraemon)
Khi thị trường truyện tranh trong nước đang bị các đối thủ nước ngoài thống lĩnh, thì liệu việc xuất bản truyện bằng phương thức "xã hội hóa" của nhiều tác giả trẻ hiện nay có phải là một hướng đi thích hợp?
“Xã hội hóa” là cách gọi của các tác giả trẻ muốn xuất bản sách nhưng không có tiền. Để có tiền xuất bản sách, các tác giả phải thành lập một trang web với đầy đủ thông tin về nội dung tác phẩm, số tiền họ cần... Mức đóng góp tối thiểu họ đưa ra thường là 100.000 đồng và tối đa 5 - 8 triệu đồng, cùng với những ưu đãi và phần quà mà các “mạnh thường quân” sẽ được nhận sau khi sách xuất bản, tùy theo số tiền mà họ đóng góp. Nhờ vậy, hàng loạt tác phẩm như “Mật ngọt chết mèo”, “Long thần tướng”, “Nắng mùa đông”... đã ra đời từ những dự án gây quỹ này. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của công chúng với truyện tranh “made in Vietnam” rất lớn. Trước tình trạng các nhà xuất bản quay lưng với truyện tranh Việt, sự thành công của cách phát hành “phi truyền thống” này là nguồn động lực giúp các tác giả trẻ có thêm niềm tin và cảm hứng để bám trụ với nghề.
Tất nhiên, hình thức gây quỹ cộng đồng này chỉ là một giải pháp tạm thời cho truyện tranh Việt, bởi không ai có thể làm “từ thiện” mãi được. Để có một kế hoạch phát triển lâu dài còn cần đến những chiến lược, chính sách từ các cơ quan quản lý. Theo bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị, truyện tranh Việt muốn phát triển thì trước hết phải biết học tập sự năng động và sáng tạo của truyện tranh nước ngoài, tránh những tư duy cũ kỹ, lỗi thời. Điều quan trọng nhất là mỗi tác phẩm đều phải lồng ghép những bài học cuộc sống, hướng độc giả đến những giá trị nhân văn sâu sắc thì mới mong tồn tại được.
Theo Người tiêu dùng
.