Hư cấu không thể là bóp méo
Cập nhật lúc 14:45, Thứ năm, 22/11/2012 (GMT+7)
Cho dù Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, ông Lê Tiến Thọ đã khẳng định “Rất khó xảy ra hiện tượng các vị anh hùng lịch sử được cả dân tộc tôn vinh lại hiện lên với hình ảnh méo mó trong các tác phẩm sân khấu. Bởi lẽ, một tác phẩm sân khấu trước khi ra mắt trải qua rất nhiều khâu thẩm định”. Thế nhưng, hiện thực lại cho thấy, điều này đã từng xảy ra và rất có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai. (méo mó, tác phẩm sân khấu, xuyên tạc lịch sử, sạn)
(BVPL) - Cho dù Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, ông Lê Tiến Thọ đã khẳng định “Rất khó xảy ra hiện tượng các vị anh hùng lịch sử được cả dân tộc tôn vinh lại hiện lên với hình ảnh méo mó trong các tác phẩm sân khấu. Bởi lẽ, một tác phẩm sân khấu trước khi ra mắt trải qua rất nhiều khâu thẩm định”. Thế nhưng, hiện thực lại cho thấy, điều này đã từng xảy ra và rất có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai.
Hư cấu… quá tay
Nếu làm một bảng thống kê những vở diễn đủ các loại hình sân khấu về đề tài lịch sử thể hiện hình tượng anh hùng dân tộc trong vòng nửa thế kỷ qua thì có lẽ không thống kê hết. Chỉ riêng hình tượng người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ đã được thể hiện trong hơn 50 kịch bản sân khấu. Rồi Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân… cho tới nay số lượng kịch bản cũng lên tới cả trăm. Thế nhưng, đáng tiếc là những tác phẩm sân khấu đầy tình yêu Tổ quốc này lại cho người xem “cắn” phải những hạt sạn to đùng. Bộ ba “Bài ca giữ nước” đỉnh cao chói lọi của kịch lịch sử với những lớp kịch bất hủ sân khấu như “Lột mũ quan”, “Chôn hề”, tác giả Tào Mạt có lẽ do chưa thẩm thấu hết tính xác thực của lịch sử đã đặt Thái sư Lê Văn Thịnh thành nhân vật phản diện gây bức xúc trong dư luận. Còn trong vở chèo “Dương Vân Nga” nổi tiếng một thời, tác giả Trúc Đường đã đưa Đinh Điền, Nguyễn Bặc, 2 công thần có công trong dẹp loạn 12 sứ quân thời Đinh Tiên Hoàng thành nhân vật đối nghịch. Việc này đã dẫn đến những vụ kiện tụng kéo dài. Và còn rất nhiều vở diễn khác, cho dù tác giả, đạo diễn không có ý xuyên tạc lịch sử nhưng sự hư cấu đôi khi quá tay lại khiến cho sự thật trong quá khứ không còn nguyên vẹn.
Lại nói về biên độ hư cấu trong các tác phẩm sân khấu có đề tài lịch sử đã gây rất nhiều tranh cãi trong giới làm nghề. Hư cấu vừa độ cho thấy người “chế biến” khéo léo, đưa một sự kiện lịch sử lên sân khấu rất ý tứ và nghệ thuật. Đó là vở tuồng “Trần Bình Trọng”, tác giả không chỉ hư cấu thêm tình tiết mà còn hư cấu thêm cả nhân vật, một nhân vật chưa hề có khuôn mẫu trong nghệ thuật tuồng cho đến lúc đó: nhân vật Ái Nương. Việc xuất hiện thêm người con gái đẹp trong vở tuồng càng tô đậm thêm những nét đẹp trong con người anh hùng Trần Bình Trọng, một dũng tướng nhà Trần đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược. Nhưng hư cấu đến độ bóp méo sự thật lịch sử thì quả là điều không nên. Vì thế mới có nhà nghiên cứu sân khấu cho rằng, Tiến sỹ Lê Văn Thịnh trong bộ ba “Bài ca giữ nước” là nhân vật hư cấu của tác giả chứ không phải của lịch sử.
“Sính” hoành tráng
Làm méo mó lịch sử không chỉ từ đội ngũ tác giả viết kịch bản sân khấu mà còn từ các họa sỹ thiết kế phục trang và thiết kế sân khấu mỹ thuật. Về phần trang trí, đâu đó thường xuất hiện khuynh hướng hoành tráng, đồ sộ mà không gắn kết với nội dung câu chuyện mà vở diễn đề cập. Ấn tượng này làm người xem nghi ngờ về tính trung thực của lịch sử. Rồi việc lạm dụng thiết bị ánh sáng hiện đại và khói nặng phủ kín sàn sân khấu đã biến một vị tướng anh hùng dân tộc thành “Tề Thiên Đại Thánh” ngao du trên chín tầng mây trong một vở chèo lịch sử. Không chỉ trong trang trí mà ngay trong trang phục, đạo cụ, các họa sỹ đã khá tùy tiện, lẫn lộn giữa các triều đại phong kiến. Hơn nữa còn có thể kể đến những phụ kiện trang sức thời hiện đại cũng được đắp điếm cho nhân vật thêm phần “long lanh”. Thậm chí, một số vở tuồng đã thiết kế trang phục cho vua quan, tướng lĩnh đời Lý, Trần mà cứ như tích Tàu hay La Mã…Vậy thì làm sao khán giả có thể tiếp thu được tinh thần của vở diễn.
Xem ra, đề tài lịch sử cũng tạo ra sự thuận lợi cho các tác giả trong việc sáng tác. Bởi lùi càng xa sự kiện, người viết có cái bao quát mà tung tẩy trong tưởng tượng dễ hơn đứng áp sát sự kiện. Thế nhưng, sự tung tẩy này cũng cần nằm trong khuôn khổ để đừng vượt qua biên độ cho phép. Lịch sử là chuyện của ngày hôm qua nhưng có ý nghĩa với ngày hôm nay và con cháu mai sau còn nhìn vào các tác phẩm sân khấu để học và hiểu về lịch sử. Điều này đòi hỏi trách nhiệm và tinh thần làm việc nghiêm túc của các nghệ sỹ. Tôn trọng sự thật lịch sử là tôn chỉ trong sáng tác sân khấu về đề tài lịch sử.
Theo ANTĐ
.