Tranh giả, tranh nhái, tranh chép trên thị trường mỹ thuật Việt hiện tại là những vấn nạn khiến đau đầu người mua, buồn lòng giới họa sĩ và rất khó xử lý

Tình trạng hỗn loạn của thị trường mỹ thuật ở Việt Nam lâu nay ai cũng biết nhưng đến khi phát hiện chấn động về 17 bức tranh giả của các danh họa bậc thầy của mỹ thuật Việt Nam tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM vừa qua, giới mỹ thuật lại một lần nữa lên tiếng lo ngại.

Tranh giả kiểu nào cũng có

Nhiều ý kiến cho rằng nếu kéo dài hiện trạng này sẽ dẫn tới hệ quả là ngày một suy thoái nhận thức thẩm mỹ về mỹ thuật của người Việt nhiều thế hệ tiếp theo.

Không chỉ tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương mà ngay cả với hội họa đương đại, cũng không phải dễ để sở hữu tranh thật. Ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, cho biết trong quá trình bảo tàng đi sưu tầm tranh, ngay cả tranh của các họa sĩ đương đại, cũng gặp rất nhiều bức giả.

 

http://nld.vcmedia.vn/k:2016/14-chot-1469630436276/hon-loan-thi-truong-tranh.jpg
http://nld.vcmedia.vn/k:2016/14-chot-1469630436276/hon-loan-thi-truong-tranh.jpg


Hồi cuối năm ngoái, giới họa sĩ xôn xao tin đóng cửa phòng tranh Tự Do - một trong những phòng tranh lâu đời nhất tại TP HCM, cùng lúc hoạt động của Gallery 39 Lý Quốc Sư (Hà Nội) của họa sĩ Lê Thiết Cương cũng tạm dừng hoạt động. Mới đây, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết Gallery của mình đã hoạt động trở lại nhưng các phòng tranh này hoạt động nghiêm túc quá nên cũng chỉ cầm chừng, chủ yếu mang tính chất đỡ đầu cho triển lãm của các họa sĩ trẻ, không thể hy vọng kiếm lời.

Trong khi đó, dọc theo tuyến đường Nguyễn Thái Học của Hà Nội có hàng trăm cơ sở chép tranh bán hổ lốn đủ loại tranh chép, tranh nhái. Trên nhiều tuyến phố cổ gần chùa Cầu của Hội An cũng có cả trăm cửa hàng chép tranh với hàng trăm người chép “không tên tuổi”. Trên tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP HCM) cũng tương tự, thôi thì đủ loại đủ chất liệu, màu sắc, phong cách. Tranh có giá vài triệu đồng, thậm chí có bức cũng chỉ mất 500.000 đồng là mua được. Chủ một cửa hàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP HCM) cho hay khách Việt Nam thường thích tranh phong cảnh, tranh làng quê, miễn sao giá tiền hợp lý, không cần biết đó thực sự là tranh của ai, do người ký tên sáng tác thực sự hay là tranh chép, tranh nhái.

Người mua tranh không nhiều nên khách muốn là được chiều. Khách xem hàng loạt catalogue và được gợi ý từ tranh phong cách trừu tượng Thành Chương hay rực rỡ kiểu Lê Thanh Sơn, trừu tượng khó hiểu như Lê Thiết Cương hoặc ấm áp màu sắc của Đào Hải Phong... Thích kiểu gì, người làm tranh chép chiều kiểu đó, cần chân dung hay phong cảnh trang trí, chỉ mấy ngày sau khách hàng sẽ có tranh treo.

Các danh họa nổi tiếng thế giới bị sao chép nhiều nhất. Chủ một cửa hàng trên đường Bùi Viện cho biết khách Tây khi đi du lịch thường thích chọn mua những bức như “Hoa diên vĩ” của Van Gogh, “Giấc mơ” của bậc thầy Picasso, “Nude” của Picasso, “Starry Night” (Đêm đầy sao) của Van Gogh, “Café Terrace at night” (Cà phê vỉa hè trong đêm) của Van Gogh, “The Persistence of memory” (Sự dai dẳng của ký ức) và một số bức khác của danh họa Salvador Dali. Cá biệt cũng có khách đặt hàng mua nàng “Mona Lisa” của Leonardo Da Vinci.

Vô tư “xài chùa”

Thị trường mỹ thuật có một dạo ồn ào chuyện họa sĩ Văn Thơ (Hà Nội) bị một cửa hàng ngang nhiên chép tranh, bày bán. Ông tới làm ầm lên, cãi cọ một hồi rồi thôi, cũng chẳng ai phân xử.

“Chỉ cần xây dựng được phong cách, khẳng định được chuyên môn và có một chút danh tiếng, các họa sĩ sẽ lập tức bị đám “thợ vẽ” ở cửa hàng lạm dụng tác quyền thoải mái” - họa sĩ Nguyễn Ngọc Minh cho biết. “Thật buồn khi chủ yếu người Việt mình lấy cắp sở hữu trí tuệ của nhau” - họa sĩ Lâm Đức Mạnh thở dài. Họa sĩ Đặng Phương Việt (người gắn chặt với tên Việt “Sen” bởi chỉ chuyên tâm vẽ hoa sen trong nhiều năm qua) thì bị khá nhiều phòng tranh tại Hà Nội làm giả tranh của mình.

Họa sĩ Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong… cũng cho biết họ bị nhiều cửa hàng trên cả nước vi phạm sở hữu trí tuệ rất ngang nhiên. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương: “Kiểu sao chép bừa bãi từ tác phẩm của người khác bằng cách lắp ghép, pha trộn phong cách, màu sắc lẫn nhau như thế, tất nhiên họa sĩ không đi “đòi” được bản quyền nhưng đối với người mua tranh về treo, họ đã bỏ tiền ra để mua lấy cái không giá trị gì”.

Hàng rào “chống trộm” trí tuệ

Trước tình trạng hỗn loạn của thị trường mỹ thuật Việt, các họa sĩ đều phải lựa chọn cách thức tự bảo vệ mình. Họa sĩ Đặng Phương Việt cho biết anh bảo vệ tác phẩm của mình bằng các cách đánh dấu ký hiệu của riêng mình và cấp cho người mua giấy chứng nhận từ họa sĩ. Đặc biệt, anh cho biết: “Tận dụng kỹ thuật để tránh làm giả như cách tôi hay làm là làm nhiều lớp màu rất kỹ với loại sơn dầu rất đặc biệt mà bên ngoài không thể có. Có vậy tranh chép không tài nào làm giống được tranh gốc”.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình (gốc Hà Nội, hiện sống tại TP HCM) tự tin cho hay đến nay, riêng dòng tranh khỏa thân của anh vẫn chưa có hàng giả vì độ khó của nó. Chia sẻ về bí quyết bảo vệ tranh, họa sĩ Thanh Bình tiết lộ: “Chỉ có thể làm giấy chứng nhận và có chữ ký. Giấy chứng nhận của tôi thì hơi khó làm giả vì có cả mã số (code)”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: “Từ năm 2000 đến giờ, ngoài chữ ký ở mặt trước tranh thì mặt sau, bao giờ tôi cũng dùng bút dạ bảng để ký tên thêm. Tham gia triển lãm lớn thì tôi đăng ký bản quyền. Người mua tranh của tôi đều được tặng những cuốn sách giới thiệu về tranh và được cấp giấy chứng nhận về bức tranh: tên tranh, kích cỡ, chất liệu, ảnh chụp… Mỗi khi xin phép xuất bản, tôi đều phải chứng minh hồ sơ của từng bức tranh được in trong cuốn sách rằng tất cả đều là tranh của tôi. Như thế, người mua tranh cũng yên tâm hơn đó là tranh thật. Thêm một lớp bảo vệ nữa là toàn bộ tranh của tôi đều đăng ký bản quyền qua một công ty luật lớn, có tiếng tại Việt Nam”.

Họa sĩ Thành Chương cũng có ý kiến đề nghị các họa sĩ hãy tự tạo ra các mật mã riêng và nên lên tiếng, khởi kiện đến nơi đến chốn khi phát hiện ra tranh giả của mình. “Có thể cần nghĩ đến một ngân hàng mật mã cho các họa sĩ” - ông nói.
 

Tranh giả nhiều đất sống

Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định: “Lẽ ra, phải đáng mừng khi những người giàu trong nước bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến mỹ thuật Việt Nam. Nhưng đáng tiếc là họ chưa có tri thức về mỹ thuật, lại không chịu bỏ tiền nhờ người tư vấn cho nên cũng có thể nói vấn nạn tranh giả là chuyện của người giàu. Người nghèo muốn chơi tranh cũng lại thiếu hiểu biết nên mua bừa tranh nhái, tranh chép ẩu về treo, cứ để lâu hiện trạng “loạn” như hiện nay mà không ai quản lý sẽ càng lúc càng khiến cho nền mỹ thuật Việt Nam thấp xuống hơn, không những không bao giờ hội nhập được với thế giới đã đành mà còn khiến nhận thức thẩm mỹ của người Việt mỗi lúc một tệ đi”.

 

Theo Người lao động

.