(BVPL) - Trong tiềm thức của người dân Việt Nam, môn vật dân tộc không rõ được xuất hiện từ bao giờ. Nhưng cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, tại một số làng quê của nước ta lại tổ chức những xới thi đấu vật rất sôi nổi. Một số vùng nếu ngày Tết mà hội làng thiếu môn vật dân tộc thì năm đó coi như chưa có Tết, Hà Tây là một trong những vùng đất vật như vậy.
 
 
Tương truyền rằng ngôi đình Đông La có thờ một nàng công chúa rất mê vật. Truyện kể rằng, ngày xưa nàng công chúa bị ốm và khóc mãi không nín, Nhà vua cho mời thầy thuốc từ khắp nơi đến chữa nhưng công chúa vẫn không thôi khóc. Rồi một hôm đi xem đấu vật, thì công chúa bỗng đột nhiên nín khóc, cười vui và mê xem đấu vật. Từ đó, mỗi khi xuân về, người dân nơi đây đón Tết mà không thể thiếu Hội vật.
 
Hội vật ở Hà Tây thường bắt đầu từ mùng 2 Tết âm lịch. Thời gian diễn ra khoảng một tuần, có rất nhiều khán giả và các đô vật ở các nơi khác nô nức kéo về xem và tham gia đấu vật. Có 3 ông trọng tài mặc khăn xếp, áo the chỉnh tề điều khiển trận đấu trên xới vật, ông đánh trống sẽ là trọng tài chính, còn lại là 2 trọng tài giao điệp giám sát trận đấu.
 
Trong sự hò reo cổ vũ của hàng nghìn khán giả, và tiếng trống giục giã, các đô vật cởi trần, đóng khố hăng say thi đấu trên sới. Vật dân tộc không tính thắng thua bằng cách tính điểm như các môn vật khác, mà ông đô vật bị thua sẽ là người bị nhấc bổng hai chân lên trời, còn gọi là miếng đánh “túc liên địa” hoặc người thua trận sẽ bị vật nằm ngửa cho lấm lưng trắng bụng. Do vậy, khán giả thấy dễ xem dễ hiểu và rất hào hứng theo dõi trận thi đấu.
 
Đồng thời, vật dân tộc khi đấu không phân biệt hạng cân hay lứa tuổi. Đô vật chiến thắng đối thủ là nhờ những miếng đánh kỹ thuật của mình, thường thì đó là những miếng đánh bí truyền mà người khác không biết. Do vậy, có những trận đấu, ông đô vật to lớn lực lưỡng đã bị những đô vật nhỏ con hơn mình đánh ngã cho lấm lưng trắng bụng thua trận.
 
Ngoài ra, tại hội vật thường có những giải thưởng, đó là những giải “lèo” dành cho khán giả không phải là đô vật chuyên nghiệp lên thi đấu giật giải. Điều này làm cho không không khí  của những ngày hội vật khi Tết đến, xuân về đón năm mới được vui nhộn hơn.
 
Người dân ở các huyện như: Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai của tỉnh Hà Tây, ngay từ khi còn rất nhỏ đã biết đến và được truyền dạy những miếng đánh kỹ thuật của môn vật dân tộc. Đó có lẽ là lý do mà từ bao đời nay vật dân tộc là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong ngày xuân của người dân trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam./.
 
Bùi Thân