Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng, học sinh quay clip phản ánh tiêu cực ở trường THPT Đồi Ngô phải phải tôn vinh và việc mang thiết bị không nhằm quay cóp.
|
Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Hà Anh |
Trao đổi với phóng viên, ông Sơn cho rằng gần đây có nhiều tiêu cực, vi phạm pháp luật buộc xã hội, người dân lên tiếng, thậm chí có người dân phải lựa chọn biện pháp cực đoan. Sự kiện tiêu cực ở trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) là một vấn đề xã hội, một hiện tượng rất đáng quan tâm.
Ông Sơn cho rằng, ở mức độ nào đó, Nhà nước và xã hội chưa có những biện pháp thiết thực, quyết liệt để bảo vệ những người có công phát hiện và phản ánh tiêu cực. Đáng tiếc, nhiều trường hợp người phản ánh tiêu cực có khi rơi vào tình trạng lận đận và phải hứng chịu những tác động ngược.
Theo ông, trường hợp học sinh quay clip phản ánh tiêu cực ở Bắc Giang phải đáng được tôn vinh, ghi nhận bởi cần phải xác định ở hội đồng thi đó đã có một số người có trách nhiệm, giám thị và một số học sinh đã tham gia vào những tiêu cực, trái pháp luật. Thậm chí, có căn cứ cho rằng những người đứng đầu hội đồng thi đã làm ngơ, dung túng cho những sai phạm nghiêm trọng.
Cũng theo người đứng đầu Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT có quy định nghiêm cấm học sinh đưa những thiết bị, máy móc vào phòng thi, đặc biệt là những thiết bị có gắn điện và điện tử. Tuy nhiên, cần phân biệt, nếu đưa các thiết bị điện tử kia vào phục vụ cho việc quay cóp, làm bài tiêu cực thì cấm là đúng.
Ở trường hợp trường THPT Dân lập Đồi Ngô, học sinh mang máy móc vào không có mục đích quay cóp mà là chống tiêu cực thì phải xem xét lại. Qua đó, có thể thấy quy chế của Bộ chưa chặt chẽ, còn chung chung và không thể nói học sinh quay clip là sai.
"Nếu vẫn quy kết học sinh quay clip có vi phạm là sai về bản chất, không thuyết phục. Quy chế không thể vơ hết cả cái tiêu cực, tích cực vào đây. Do vậy, cần phải sửa quy chế", ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, nếu coi học sinh là người có công trong phát hiện tiêu cực, chống sai phạm trong thi cử thì không những không kỷ luật mà phải khen thưởng, tôn vinh. Đồng thời cần phải có ngay biện pháp thích hợp để bảo vệ an toàn cho đương sự. Nhà nước, xã hội và những người có trách nhiệm không thể hời hợt, vô cảm trước những số phận này được.
Quan điểm của Cục trưởng Sơn phải xử lý nghiêm hội đồng thi, thậm chí cho thôi việc những giám thị, thầy cô giáo tiếp tay cho tiêu cực, không thể chỉ phê bình, cảnh cáo, rút kinh nghiệm. Với học sinh quay clip, không nên để công an vào cuộc xác minh điều tra.
"Có người nói đến khả năng hủy kết quả thi, tôi cho rằng cần phải thận trọng. Nếu xử mạnh tay quá với các học sinh quay cóp là tác động ngược tới học sinh quay clip và gia đình", Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nói.
Chiều 4/6, ngay khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT nhận xét là "nghiêm túc", trên mạng xuất hiện clip dài hơn 6 phút quay cảnh chép tài liệu, ném bài trong phòng thi. Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang xác nhận, hình ảnh trong clip là tại điểm thi THPT Dân lập Đồi Ngô giờ thi Hóa chiều 2/6.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho hay, vụ ném phao thi ở Bắc Giang là nghiêm trọng nhưng việc phát tán trên mạng nhiều clip như vậy làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp khó khăn, đồng thời ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là các học sinh nhỏ tuổi. Và việc xử lý thí sinh quay clip sẽ theo hướng "giúp các cháu nhận ra sai phạm, làm bài học và trở thành người tốt".
Một ngày sau khi Bộ Giáo dục kết luận kỳ thi tại THPT Đồi Ngô "cơ bản nghiêm túc", trưa 14/6, hàng loạt clip gian lận thi tại trường này tiếp tục được đăng tải trên mạng.
Anh Thư
VnExpress.