Hàng loạt vụ bê bối liên quan đến chất lượng hàng Trung Quốc (TQ) bị phanh phui trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã khiến người tiêu dùng Việt Nam hoang mang, bởi trên thị trường, hàng hóa TQ có diện bao phủ rộng và đa dạng...

 

Chất lượng hàng hóa TQ đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng Việt Nam. Thậm chí, nó trở thành một ấn tượng mặc định, khiến tất cả mọi hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ TQ đều bị liệt vào dạng “cần phải cảnh giác cao độ”.


LTS: Trong bối cảnh hàng hóa TQ xuất hiện tràn lan trên thị trường Việt Nam, chiếm lĩnh mọi lĩnh vực như thực phẩm, đồ chơi, đồ gia dụng, quần áo, giày dép, vv… người tiêu dùng Việt Nam rất khó khăn để có thể phân biệt được loại tốt, loại dở bởi thiếu thông tin chính thống.

Song song với nguyên nhân này, có thể nói hàng Việt Nam không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân về mẫu mã, kiểu dáng, giá cả, những sản phẩm đáp ứng được thì giá thành tương đối cao (hoặc tỷ lệ nội địa hóa thấp do vẫn phải nhập chủ yếu nguyên vật liệu từ TQ hoặc các nước khác hoặc các nước khác).

Kể từ khi hàng lọat vụ bê bối về chất lượng hàng TQ bị phanh phui, kết hợp với truyền thông tích cực về chất lượng hàng nội, người tiêu dùng Việt Nam dần đã trở lại với hàng Việt.

Tuy thói quen tiêu dùng không dễ để thay đổi trong một sớm một chiều, nhưng có thể nói hàng Việt ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong nước (bằng chất lượng, giá cả, mẫu mã).

Tuy vậy, vẫn có một thực tế là dù không muốn nhưng người tiêu dùng vẫn khó có thể tránh khỏi việc mua phải hàng hóa có xuất xứ TQ. Rất nhiều người đã “truyền tai” nhau những chiêu làm sao để mua được hàng hóa an toàn, giá hợp lý, tránh tối đa hàng TQ để đảm bảo sức khỏe.

VietNamNet khởi đăng loạt bài “Người tiêu dùng Việt Nam vật lộn né tránh hàng TQ kém chất lượng"

Mở đầu cho loạt bài này, chúng tôi xin điểm lại những scandal tiêu biểu về chất lượng hàng hóa TQ trong thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Những bê bối liên tiếp về chất lượng hàng hóa TQ là mấu chốt tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam.

Sữa nhiễm melamine

Tháng 9/2008, scandal sữa TQ nhiễm melamine bị phanh phui đã gây chấn động trong dư luận không chỉ ở TQ mà còn lan sang cả các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Nhà sản xuất (là công ty Tam Lộc ở tỉnh Hà Bắc, TQ) đã cho melamine vào sữa bột cho trẻ em với hàm lượng vượt quá nhiều lần mức cho phép.

Sự việc sau đó được mở rộng điều tra và kết quả đã có tới 22 công ty của TQ bán sữa có độc tố cho trẻ em.

Melamine là chất có thể gây ra sỏi thận và suy thận cấp tính, đe dọa tính mạng trẻ. Theo thống kê của cơ quan chức năng TQ, tính đến tháng 12/2008 (3 tháng sau khi vụ việc bị phanh phui), đã có gần 300.000 trẻ em TQ bị bệnh do uống sữa có chứa melamine.

Tại Việt Nam, ngay sau khi có thông tin về sữa nhiễm melamine gây bệnh cho trẻ em, người tiêu dùng đã rất hoang mang. Từ trước đến nay, riêng đối với mặt hàng sữa bột thì sản phẩm của TQ gần như không có chỗ đứng trên thị trường VN. Tuy nhiên, với tình trạng kinh doanh tự phát, không có kiểm soát, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải vào cuộc, thu hồi và tiêu hủy sữa nhiễm độc của các công ty có mặt ở VN.

Hạt trân châu chứa polymer

Năm 2009, thông tin hạt trân châu TQ chứa polymer lại tiếp tục khiến dư luận dậy sóng. Tại Việt Nam, thông tin này đã gây hoang mang cho người tiêu dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên – đối tượng rất ưa thích món trà sữa trân châu mà nguyên liệu chủ yếu của nó đều được các công ty ở Việt Nam nhập về từ TQ.

Hạt trân châu chứa Polymer bị phát hiện tràn lan ở TQ - (Ảnh minh họa: C.Q)

Sau khi lấy mẫu kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội khẳng định các mẫu hạt trân châu đều không có polymer nhưng chứa các chất bảo quản, sát trùng trong thực phẩm (là axit benzoic và axit sorbic) với hàm lượng vượt nhiều lần ngưỡng cho phép. Việc lạm dụng này gây ra các tổn hại về gan, thận cho người dùng.

Cốc thủy tinh nhiễm độc

Đầu năm 2011, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đưa ra cảnh báo về một số loại cốc làm bằng thủy tinh và nhựa màu xuất xứ Trung Quốc có chứa hóa chất độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép từ vài cho đến hàng nghìn lần.

Kết quả khảo sát, kiểm tra, thử nghiệm mẫu cốc thủy tinh trên thị trường Việt Nam cho thấy, xuất hiện loại cốc thủy tinh in hình ảnh và các nhân vật hoạt hình dành cho trẻ em có chứa hàm lượng chì (Pb) cao gấp hàng chục đến nghìn lần mức độ cho phép và một số chất độc hại khác có thể làm giảm chỉ số thông minh của trẻ em. Nhãn hàng hóa của các sản phẩm này ghi Made in China, tức chế tạo tại Trung Quốc.

Đáng chú ý, tỷ lệ các mẫu được xác định nhiễm độc rất cao. Chẳng hạn, tại tỉnh An Giang, tất cả 10 mẫu hàng hóa mua tại 10 siêu thị trên địa bàn tỉnh, qua thử nghiệm, cho thấy hàm lượng Pb có trong bình, ly nhựa vượt 1,2 đến 8,3 lần tiêu chuẩn cho phép.

Tại Siêu thị Tứ Sơn-942A Quốc lộ 91, thị xã Châu Đốc, ly thủy tinh quai bong loại P62 hộp 6-Beautiful the World of Flower, chỉ tiêu Pb vượt 2.191 lần.

Hàng loạt vụ bê bối về thực phẩm, trái cây, đồ chơi trẻ em

Trên đây là những vụ việc lớn có thể “điểm danh” đích xác. Trong thực tế, chuyện phát hiện hàng TQ có độc tố diễn ra rất phổ biến và báo chí liên tục đưa tin. Nhưng việc phải nghe thông tin về sự độc hại của hàng hóa TQ quá thường xuyên gần như khiến người tiêu dùng Việt Nam bị “lãnh cảm” với vấn đề này.

Trong số tất cả những bê bối về chất lượng hàng hóa TQ, có thể thấy thực phẩm, đồ chơi trẻ em, trái cây tẩm ướp thuốc bảo quản với hàm lượng lớn là những mặt hàng nổi cộm hơn cả.

Lý do thì khá dễ hiểu: Đây là những hàng hóa được người tiêu dùng trực tiếp sử dụng qua đường ăn uống, có thể gây hại (ở mức độ cao) đối với sức khỏe người sử dụng.

1
Táo được nhập về từ cửa khẩu Tân Thanh. Bên ngoài rất ngon, rất đẹp mắt nhưng khi bổ ra thì toàn bộ phần gần nũm táo đã bị thối. Theo nhận định của những người có kinh nghiệm thì đây là hệ quả của việc tẩm thuốc bảo quản thực vật quá mức cho phép - (Ảnh: C.Q)

Có thể kể những ví dụ nhức nhối về thực phẩm, hoa quả, đồ chơi “bẩn” xuất xứ từ phía TQ diễn ra suốt thời gian qua như: Gia vị lẩu chứa chất gây ung thư; kẹo mút phát sáng bán tràn lan ở cổng trường tiểu học; thịt bò, thịt nai khô giá chỉ 1.000 đồng/túi; hoa quả chứa chất bảo quản để bao lâu cũng không hỏng; tràn lan các loại đồ chơi sặc sỡ sắc màu nhưng mọi tiêu chuẩn về an toàn đều không được đảm bảo; vv…và gần đây nhất là scandal nước trái cây nhiễm chất dẻo DEHP có xuất xứ từ Đài Loan.

Là nước “láng giềng” của TQ, việc hàng hóa TQ dồn dập tràn sang và lấn lướt hàng trong nước đã khiến người tiêu dùng phải đối mặt với không ít thách thức trong việc lựa chọn và sử dụng sao cho an toàn. Có thể nói, người tiêu dùng Việt Nam đã phải trải qua một cuộc “vật lộn” vất vả để có thể hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng hàng kém chất lượng của TQ.

Nhưng trong số đó không phải ai cũng thành công bởi thị trường hàng hóa như một mê hồn trận không có kiểm soát chủ động từ phía cơ quan chức năng, còn người tiêu dùng thì thiếu thông tin chính xác về sản phẩm.

 
N.Anh (VNN)
Tin tức liên quan