(BVPL) - Tối ngày 5/12, tại Quảng trường trung tâm thành phố Hà Tĩnh, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, UBMTTQ Việt Nam, Bộ VHTT&DL và tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du – Danh nhân văn hóa thế giới.
Tham dự buổi lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ chính trị Lê Thanh Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và hàng ngàn người dân.
|
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị đại biểu tham dự buổi lễ kỷ niệm. |
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du là sự kiện văn hóa lớn của quốc gia, có tầm ảnh hưởng quốc tế. Suốt chiều dài lịch sử văn hiến của dân tộc Việt Nam, thời nào cũng xuất hiện những bậc hiền tài, anh hùng, hào kiệt, danh nhân làm rạng danh đất nước. Trong đó, tiêu biểu là Đại thi hào Nguyễn Du với di sản thi ca đồ sộ, đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều nổi tiếng không chỉ trong nước mà khắp cả thế giới. Đại thi hào Nguyễn Du là một nghệ sĩ thiên tài, một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn, một tài năng - Danh nhân văn hóa thế giới. Tên tuổi và di sản của ông để lại với giá trị xuyên thời đại, mãi là niềm tự hào lớn lao của các thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc Việt Nam với tầm vóc và vị thế khó ai sánh nổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông, đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều - đỉnh cao của nền văn học cổ điển nước nhà đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn của văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế.
Trong khi đó bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhận thấy tầm vóc của Nguyễn Du không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn ở cả nhân loại. Ở tác phẩm Nguyễn Du đã có mối liên hệ chặt chẽ với các lĩnh vực trọng tâm của UNESCO, tiêu biểu như: liên quan đến khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, giá trị gia đình, truyền thống văn hóa. Tác phẩm của Nguyễn Du còn có mối liên hệ với bình đẳng giới - lĩnh vực hoạt động của UNESCO.
Tại lễ kỷ niệm chương trình nghệ thuật đặc biệt “Tiếng thơ ai động đất trời” đã mang đến cho người xem những sắc màu, không gian và cảm xúc lắng đọng. Chương trình do Bộ VHTT&DL và tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo nội dung, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VHTT&DL Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện. Trên nền sân khấu hiện đại, thể hiện vẻ đẹp hữu tình, quyến rũ của mảnh đất Hà Tĩnh với điểm nhấn là non Hồng vời vợi và dòng Lam trong xanh, đội ngũ diễn viên, nghệ nhân đã tái hiện lại không gian văn hóa của vùng địa linh nhân kiệt Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và xứ sở Kinh Bắc văn vật; hành trạng của Nguyễn Du qua các thời kỳ; chuyển tải các trước tác của Nguyễn Du bằng các làn điệu dân ca đặc sắc đã trở thành di sản văn hóa thế giới.
|
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại buổi lễ kỷ niệm |
Sáng cùng ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem Kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du.
|
Phát hành bộ tem đặc biệt nhân kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du. |
Bộ tem gồm 1 mẫu tem và 1 blốc do họa sỹ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế với khuôn khổ tem 32*43 mm, blốc 90*90 mm. Mẫu tem là những hình ảnh được khai thác từ chất liệu dân gian về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Xung quanh nền blốc là cốt truyện của tác phẩm bất hủ này. Trung tâm blốc là tem hình Nguyễn Du đang miệt mài đèn sách trong thư phòng và ấn bản tác phẩm Truyện Kiều bằng chữ Nôm, phía xa là vầng trăng tỏa sáng như tạo thêm chất thơ cho tác giả. Với gam màu ấm vàng và tông nâu hoài cổ, mẫu blốc đưa người xem lùi về thời kỳ quá khứ xa xưa nơi có câu chuyện đã được Đại thi hào tạo dựng nên tuyệt tác truyện Kiều, tác phẩm kinh điển của Việt Nam. Thời hạn cung ứng trên mạng bưu chính công cộng của bộ tem từ ngày 5/12/2015 đến ngày
30/6/2017.
Văn Thông