|
Lễ hội kỷ niệm 330 năm đô thị Mỹ Tho- ảnh: DS |
Mỹ Tho, một thành phố thuộc loại cổ nhất của khu vực ĐBSCL, với bề dày hơn 330 tuổi, từng được xem là anh em song sinh của thành phố Sài Gòn, thì rõ ràng mỗi căn nhà, góc phố, hàng cây đều có “hồn" rất riêng của nó. Và đó không chỉ là những ký ức khó phai của những người Mỹ Tho xa quê, mà còn là nét văn hóa đặc trưng của địa phương, thu hút sự quan tâm tìm hiểu của du khách gần xa.
Cũng như những thành phố lâu đời khác ở nước ta, kiến trúc về nhà cửa, phố xá của Mỹ Tho mang đậm dấu ấn của người Pháp, trải qua bao thăng trầm biến cố, giờ đây Mỹ Tho xưa chỉ còn lưu lại qua hình ảnh của vài ngôi nhà cổ mà kiến trúc đã tồn tại trên 100 tuổi. Những năm qua, theo lộ trình tiến lên đô thị loại 1 - Mỹ Tho đã chuyển mình, từng bước thay đổi bộ mặt, dẫu biết rằng sự thay đổi ấy bước đầu có thể làm “dị ứng” với những ai có tâm hồn hoài cổ, bởi những hàng cây xanh rợp mát từng gắn bó với nhiều thế hệ đã được đốn bỏ, thay vào đó là những vỉa hè được lát gạch sạch sẽ khang trang và những hàng cây xanh được trồng mới theo quy hoạch của tương lai.
|
Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa rợp mát trước đây. Ảnh: DS |
Lãnh đạo tỉnh, thành phố cũng rất quan tâm đến việc quy hoạch và phát triển của Mỹ Tho trong tương lai, nhằm biến thành phố này không chỉ là trung tâm văn hoá - kinh tế của tỉnh, mà còn hướng tới một đô thị văn minh, một thành phố thông minh, một địa điểm hấp dẫn, thu hút du khách.
Các Dự án đã triển khai như khu dân cư đường Hùng Vương nối dài, Quảng trường trung tâm, bờ kè sông Tiền... tạo nên một bức tranh với các gam màu sáng cho thành phố. Và những dự tính về một đường Hùng Vương nối dài kết nối ra QL1A, chỉnh trang trung tâm Giếng Nước, công viên Tết Mậu Thân, trang trí cho đường bờ kè sông Tiền, quy hoạch mới chợ đêm, phố ăn đêm…sẽ là những “điểm nhấn” của thành phố trong tương lai.
|
Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường ghi đậm dấu của Mỹ Tho cổ kính với hơn 100 tuổi, nay đã được đầu tư xây mới nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc đặc trưng. Ảnh: DS |
Thật vậy, một chiều nào đó thả xe chạy dài qua các xã Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, những vùng ngoại ô của một thời gian nan vất vả, ta sẽ cảm nhận được nét mới của thành phố sau hơn 40 năm thống nhất. Những con đường láng nhựa bon bon, đan dọc xẻ ngang nối những khu thị tứ với những địa danh của một thời bom đạn: Hóc Đùn, Bến đò Nhà Thiếc… những dự án đã thành hiện thực nối QL 50 vào QL 60 với cây cầu qua sông Tiền, sông Bảo Định, biến vùng đất bên kia sông xưa nay êm vắng đã và sẽ thành trung tâm của thành phố trong tương lai.
Bên cạnh đó, dự án về việc mở rộng thành phố về hướng Tây như đường Lê Văn Phẩm nối dài, khu dân cư Mỹ Thạnh Hưng… đã biến Trung An thành một vùng đất hứa với những con đường quê đã láng nhựa mở rộng, đất đai lên giá vùn vụt sau khi được tách lên phường mới và kết nối gần hơn với trung tâm thành phố.
|
Khu vực bờ kè sông Tiền, một "điểm nhấn" của Mỹ Tho trong tương lai. Ảnh: DS |
Mỹ Tho đã và sẽ phát triển, đó là điều tất yếu, và để hoàn thiện 8 tiêu chí còn lại của đô thị loại 1, đưa bộ mặt của thành phố có bề dày về lịch sử văn hoá, tiến lên ngang tầm các thành phố khác trong khu vực, rất cần sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Cần có những dự án chỉnh trang với tầm nhìn chiến lược dài hơn; cần có nhiều kênh thông tin,nhiều ý kiến tư vấn để những dự án có tính vững bền, tạo đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, trong quy hoạch phát triển của tương lai, các nhà hoạch định cần chú trọng đến yếu tố môi trường, không gian chung và nét đặc trưng của thành phố vùng sông nước với bề dày hơn 330 tuổi, để dù có phát triển thế nào thì Mỹ Tho vẫn không lẫn vào các thành phố khác.
Làm thế nào để thành phố vẫn còn giữ được “cái hồn” của nó, “cái hồn” đó thể hiện qua nét văn hoá, qua kiến trúc và cả phong tục lối sống đậm nét văn minh miệt vườn của vùng sông nước Nam bộ. Cần phát huy hơn nữa thế mạnh của “không gian xanh”, của các điểm du lịch sinh thái mà tỉnh, thành phố đang tập trung khai thác; đó cũng là yếu tố để Tiền Giang mà Mỹ Tho là hạt nhân, tiếp tục là tâm điểm hấp dẫn, thu hút du khách thập phương.
Theo Sơn Phạm (Báo Ấp Bắc)