(BVPL) - Đến hẹn lại lên, người dân từ khắp trăm miền lại đổ về đất Tổ tọa lạc tại xã Hy Cương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi khởi nguồn cho câu thơ huyền thoại: “Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”... Lễ hội Đền Hùng là hoạt động văn hóa thường niên để người ngày nay thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước. Trước giờ khai hội, công tác chuẩn bị luôn được tỉnh Phú Thọ, Khu Di tích Đền Hùng đặc biệt quan tâm...
  
Đền Hùng đã sẵn sàng khai hội
 
Hàng năm, Di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng mùa lễ hội đón hàng triệu lượt du khách thập phương đổ về. Cho nên, công tác chuẩn bị luôn được các cấp lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng như Khu di tích lịch sử Đền Hùng đặc biệt quan tâm. Không chỉ phổ biến nghi thức tiếp đón cho đội ngũ nhân viên phục vụ lễ hội, các hộ kinh doanh dịch vụ trong quần thể di tích,... mà ngay cả du khách thập phương về trẩy hội cũng được phổ biến nội quy chung.
 
Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chia sẻ với PV về công tác chuẩn bị trước mùa lễ hội Đền Hùng năm 2015
Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chia sẻ với PV về công tác chuẩn bị trước mùa lễ hội Đền Hùng năm 2015
 
Trao đổi với PV, ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: “Để chuẩn bị cho mùa lễ hội, Khu di tích đã soạn thảo và ban hành những nội quy chung rất chặt chẽ dành cho du khách thập phương về tham gia lễ hội cũng như các hộ hoạt động kinh doanh trong quần thể di tích. Lễ hội Đền Hùng là hoạt động văn hóa tín ngưỡng, nên cần phải có những quy định chặt chẽ trong quản lý, điều hành, chúng tôi cũng cho thiết lập đường dây nóng để đảm bảo trật tự, an toàn cho du khách thập phương khi về tham gia lễ hội...”.
 
Cũng theo ông Huy cho biết thêm; Ngày 15/1/2015, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND về tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi – 2015. Theo đó, các hoạt động phần Lễ và phần Hội trong giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi - 2015 được tổ chức trong 06 ngày, từ ngày 23 đến ngày 28  tháng 4  năm 2015 (tức ngày 05 đến ngày 10 tháng 3 năm Ất Mùi). Năm nay, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia của 05 tỉnh: Sơn La, Phú Yên, Đắc Nông, Tiền Giang và Bạc Liêu theo Đề án Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với tổ chức các hoạt động có tính chất quốc gia theo Chương trình tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
Với vinh dự và trách nhiệm được trực tiếp trông coi lăng miếu, thờ cúng tổ tiên khu di tích lịch sử Đền Hùng đã và đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đảm bảo phục vụ chu đáo các đoàn đại biểu, đồng bào và du khách về tham dự các hoạt động lễ hội. Cảnh quan trong khu vực di tích đã được lãnh đạo Khu di tích quan tâm chỉ đạo như sắp xếp lại hàng quán bán hàng của các tổ chức, cá nhân đảm bảo gọn gàng, nền nếp; duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường nội bộ, bảo trì, sữa chữa hệ thống điện chiếu sáng, trồng bổ sung nhiều cây xanh, cắt tỉa chăm sóc hoa, cây cảnh tại các khuôn viên; trang trí hệ thống cờ, đặc biệt là cờ hội tại tất cả các vị trí trong di tích; bổ sung hệ thống biển, bảng chỉ dẫn, tuyên truyền trực quan... tạo điều kiện thuận lợi nhất đón đồng bào và du khách về với lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi. 
 
 
Bên cạnh đó Khu di tích quan tâm chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường là ưu tiên hàng đầu, với yêu cầu tất cả các khu vực trong di tích, đặc biệt là các khu vực đền, chùa, sân trung tâm lễ hội, các bãi trông giữ xe ..vv phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ; mặc dù các hoạt động lễ hội sẽ được tổ chức tại nhiều địa điểm trong khu di tích với không gian rộng lớn, song Khu di tích đã có phương án tăng cường lực lượng nhân công quét dọn vệ sinh, bố trí bổ sung các thùng rác lưu động, xe chở rác, thu gom rác thải, để đảm bảo làm tốt công tác vệ sinh môi trường; với mục tiêu "sáng, xanh, sạch, đẹp" tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng trong mùa lễ hội năm nay.
 
Lễ hội Đền Hùng đã sẵn sàng... Nhưng phía sau “hậu trường” của lễ hội còn có những câu chuyện đặc biệt liên quan đến tín ngưỡng truyền thống. Các ông Từ, phụ từ, các nhà Sư, người giúp việc tại các đền, chùa trong quần thể Di tích lịch sử Đến Hùng đều phải trải qua một cuộc thi trước khi được lựa chọn đảm nhận trách nhiệm hương nhang, lễ bái.
 
Tín ngưỡng phải song hành cùng văn hóa
 
Văn hóa tín ngưỡng thờ tự đã gắn với người dân Việt Nam từ bao đời nay. Nhắc đến thờ tự tại đền, chùa người ta luôn nhắc đến những ông Từ, nhà Sư trông coi quản lý, cũng như đội ngũ người giúp việc, phụ Từ... Nét đặc biệt tại Di tích lịch sử Đền Hùng, nơi thờ cúng Quốc Tổ là việc các ông Từ, nhà Sư, phụ Từ và những người giúp việc đều phải trải qua những vòng tuyển chọn cực kỳ nghiêm ngặt. Không chỉ xét duyệt dựa trên phẩm giá, lối sống, nguồn gốc gia đình... mà ở đây để được tuyển chọn vào nhiệm kỳ 1 năm đảm nhận công việc hương nhang tại đền, chùa trong quần thể Di tích lịch sử Đền Hùng họ đều phải trải qua một đợt tập huấn và một cuộc thi gồm hai phần: Thi viết và thực hành nghi thức. Đề thi do hội đồng thi tuyển ông Từ, phụ Từ lập ra.
 
 
Theo ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu Di tích Đền Hùng cho biết: “Tín ngưỡng phải song hành cùng văn hóa. Việc tuyển chọn những ông Từ, nhà Sư tại Đền Hùng diễn ra vô cùng nghiêm ngặt và mỗi cụ sau khi được tuyển chọn vào các đền, chùa hết 1 năm nhiệm kỳ thì từ các năm sau không được tham gia ứng tuyển nữa. Các cụ tham gia ứng tuyển ông Từ hàng năm đều trải qua cuộc thẩm định từ địa phương với tiêu chí: có lối sống lành mạnh, có tuổi đời từ 60 trở lên, con cháu trong gia đình có lối sống tốt,... Sau khi các cụ đã được xét tuyển, chính quyền địa phương sẽ đề xuất để các cụ đi thi. Phần thi của các cụ dự tuyển gồm có hai phần, phần một là thi viết về kiến thức lịch sử (các cụ được mời lên học và trong tài liệu hội đồng thi cấp), phần hai là thi dâng hương, lễ bái (đề thi do hội đồng thi đề ra và các cụ sẽ bốc chọn ngẫu nhiên). Đối với việc thi tuyển của các ông Từ, phụ từ hội đồng thi đều đề ra những quy chế và những quy định cụ thể.”.
 
“Việc tuyển chọn các ông Từ, phụ Từ được tổ chức một cách nghiêm ngặt, chặt chẽ bằng các vòng từ xét tuyển, rồi thi cử không chỉ thể hiện sự nghiêm túc, minh bạch mà còn để cho người dự thi và người được tuyển chọn vào cảm thấy tự hào. Những địa phương có ông Từ, phụ Từ được tuyển chọn cũng cảm thấy vinh dự vì đã được thay mặt cho cộng đồng địa phương hương nhang cho các Vua Hùng”. Ông Huy nói.
 
Ông Hoàng Phú Hòa, Hội đồng thi tuyển ông Từ, phụ Từ chia sẻ thêm: “Việc tuyển chọn, thi tuyển để chọn ra ông Từ, phụ Từ còn nghiêm ngặt và khắt khe không kém gì kỳ thi Quốc gia. Các cụ tham gia ứng tuyển ông Từ hàng năm đều trải qua cuộc thẩm định từ địa phương. Việc thi tuyển để chọn ra ông Từ và phụ Từ được chia làm hai phần, thi viết kéo dài 120 phút và thi cúng…”
 
Trở thành ông Từ là một vinh dự
 
Do tính chất tổ chức tuyển chọn những ông Từ, phụ Từ, tại Đền Hùng diễn ra vô cùng nghiêm ngặt và mỗi cụ sau khi được tuyển chọn vào các đền, chùa hết 1 năm nhiệm kỳ thì từ các năm sau không được tham gia ứng tuyển nữa. Trai qua cả một quá trình xét những địa phương có ông Từ, phụ Từ được tuyển chọn cũng cảm thấy tự hào và vinh dự. 
 
Trao đổi với PV BVPL, ông thủ Từ đền Hạ (Di tích lịch sử Đền Hùng), Nguyễn Viết Tân cho hay: “Năm nay tôi đã gần 70, tuy nhiên, được tham dự cuộc thi tuyển chọn ông Từ phục vụ hương nhang tại Di tích lịch sử Đền Hùng là niềm vinh hạnh không chỉ riêng tôi mà rất nhiều ứng viên khác. Đây là một cuộc thi tuyển hết sức khắt khe và chặt chẽ, chúng tôi nộp hồ sơ ứng tuyển, sau đó phải trải qua cuộc xét duyệt tại địa phương với nhiều tiêu chí như: tuổi tác, lối sống, gia đình,... Sau khi đạt mọi tiêu chí và được địa phương giới thiệu lên tham dự thi, chúng tôi tiếp tục phải học kiến thức để chuẩn bị cho cuộc thi. Cuộc thi tuyển chọn ông Từ của chúng tôi cũng căng thẳng hơn cả thi đại học...”.
 
Tất cả đã sẵn sàng cho ngày đại lễ
 
Cũng theo ông Tân: “Sau khi trúng tuyển và được phân công vào vị trí thủ Từ của một đền, chùa nào đó trong quần thể Di tích là một vinh dự không chỉ riêng bản thân, mà nó còn là vinh dự của cả gia đình, dòng họ, thậm chí là cả địa phương. Sau khi có kết quả trúng tuyển, chúng tôi sẽ được bàn giao công việc vào ngày 1/1, và hết nhiệm kỳ sẽ phải bàn giao lại công việc của mình vào 31/12 hàng năm. Mỗi người chỉ có 1 năm làm việc, nhưng với chúng tôi ngần đó là cũng đủ vinh dự lắm rồi”.
 
Công việc hằng ngày của những ông Từ tại các đền, chùa được phân công thường là thực hiện việc hương nhang hàng ngày, trông coi, hướng dẫn khách cách sắp xếp lễ vật, hướng dẫn hành lễ, cầu an lành, tài lộc...    
 
Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Công lao xây dựng đất nước của các Vua Hùng vô cùng lớn lao, các ông Từ luôn cho rằng việc được hương nhang tại các đền, chùa trong Di tích lịch sử Đền Hùng là một vinh dự không chỉ riêng bản thân mình, mà cả gia đình, dòng họ và địa phương nơi mình cư trú.
 
Lễ hội Đền Hùng - Văn hóa tri ân Quốc Tổ, “Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba...”. Hai câu thơ đó vẫn cứ vang vọng mãi trong chúng tôi suốt cả hành trình, mong rằng với sự quan tâm của lãnh đạo các cấp tại tỉnh Phú Thọ, sự chuẩn bị công phu của Khu Di tích thì lễ hội Đền Hùng sẽ luôn là lá cờ đầu trong việc gìn giữ văn hóa tín ngưỡng, là điểm tựa cho người dân hướng về cội nguồn, thể hiện lòng biết ơn thành kính tới công lao của các Vua Hùng!
 
Quang Tới